Nghĩ về Tứ nhiếp pháp trong đời sống, tu học
Giáo pháp của Phật có đến tám vạn bốn ngàn pháp môn, bất cứ người có căn cơ, trình độ cao thấp ra sao cũng đều có pháp môn thích hợp để tu học.

Câu nói trên mang ý nghĩa: Giáo pháp của Phật luôn là phương tiện hướng dẫn người tu học đạt đến thành quả cuối cùng là giác ngộ và giải thoát. Do vậy, nếu hiểu giáo pháp của Phật có tám vạn bốn ngàn pháp môn, tách biệt nhau, độc lập với nhau là chưa đúng.

Sự thật là, Phật pháp là giáo pháp dung thông, bất cứ một pháp môn nào cũng hàm chứa trong nó những pháp môn khác; một pháp môn có mặt trong tất cả pháp môn, tất cả pháp môn có mặt trong một pháp môn.

Trong kho tàng kiến thức Phật pháp đó, có một khái niệm được gọi là “Pháp số”, tức là tập hợp một số lượng những nội dung có tính chất liên hệ mật thiết với nhau để làm thành một tổ hợp kiến thức thống nhất và tổng quát, mục đích là giúp cho sự tu tập được tròn vẹn.

Ví dụ: Tam quy là quay về nương tựa ba ngôi báu (Phật, Pháp và Tăng); Ngũ giới là nguyện thọ trì, vâng giữ năm điều học để có được đời sống lành mạnh. Hoặc một số các khái niệm khác được nhiều người biết đến như Tứ diệu đế, Bát chánh đạo... Như vậy, Tam bảo - Ba ngôi báu, Ngũ giới - Năm nguyên tắc (điều học), Tứ diệu đế, Bát chánh đạo... chính là những Pháp số. "Tứ nhiếp pháp" cũng là một pháp số như vậy.

"Tứ nhiếp pháp" hiểu theo nghĩa đơn giản là các phương pháp để "nhiếp hoá chúng sanh". Tứ là bốn, nhiếp là nhiếp hoá, nhiếp phục. Từ nhiếp hoá, nhiếp phục ngày nay ít được sử dụng, thay vào đó người ta thường sử dụng cảm hoá: sống để người khác thương yêu và mình cũng thương yêu người.


Tứ nhiếp pháp là sự thực tập nhằm cảm hóa lòng mình rộng mở, chấp nhận, hòa ái, từ đó cảm hóa người. 

Trên thực tế, ai cũng muốn sống trong tình thương. Đây là sự thực tập chứ không phải cầu mong mà được. Trong Tăng Chi bộ kinh (III) (253) phần Nhiếp pháp, Đức Phật dạy về bốn phương pháp gọi là "Tứ nhiếp pháp". Cụ thể gồm: Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành và Đồng sự.

Bốn phương pháp này không chỉ áp dụng cho mỗi cá nhân mà còn đúng cho cả những tập thể. Đức Phật dạy: "Nơi nào làm được những điều trên thì tập thể đó sẽ vững mạnh và những thành viên trong tập thể đó sẽ quý trọng, thương yêu nhau và lan toả tình thương, tình yêu, những chân giá trị tốt đẹp tới cộng đồng".

- Phương pháp thứ nhất là Bố thí

Khi chúng ta ở gần một ai đó mà họ hay chia sẻ lợi ích vật chất cho đến tinh thần với người khác, tâm ta cảm thấy vui vẻ. Người đó có thực hành bố thí, nghĩa là đem lại lợi ích vật chất cho người, ngay lúc đó cũng mang tới cả lợi ích tinh thần (niềm vui) cho người nhận cũng như người biết được, hoan hỷ với sự chia sẻ đó.

Trong Phật giáo, bố thí thường được biết đến ở những khía cạnh như tài thí, pháp thí và vô uý thí.

Tài thí là đem lại lợi ích về vật chất; Pháp thí là giúp cho người khác có được những tri kiến cần thiết để tu tập hướng đến giải thoát, giác ngộ. Trong chừng mực nhất định, pháp thí cũng chính là việc nỗ lực giảng giải và truyền bá rộng rãi kinh điển trong khả năng của mình.

Vô úy thí chính là đem lại sự hiểu biết, sự an tâm và không sợ hãi cho người khác. Về điểm này, có thể thấy, không phải những anh hùng, siêu nhân thì mới có khả năng bảo vệ cho người khác, đem lại sự an tâm, không sợ hãi. Người thực tập lời Phật dạy cũng có thể làm việc đó và làm tốt bằng cách giữ giới.

Giữ giới trong sạch là duy trì một lối sống đạo đức, thiện lành bằng những phương pháp hoặc những nguyên tắc sống lành mạnh. Trên tinh thần tự nguyện, hành giả nỗ lực vâng giữ, kiêng tránh những điều bất thiện từ ý, khẩu, thân.

- Phương pháp thứ hai là Ái ngữ

Từ xưa đến nay, loài người gây đau khổ cho nhau, chiến tranh liên miên, xung đột với nhau phần lớn là do lời nói. Nói những lời thiếu tế nhị, thiếu tôn trọng, không cân nhắc suy nghĩ, làm tổn thương người khác, gây chia rẽ.... Từ đó làm đối phương khổ sở, oan trái lẫn nhau.

Vì vậy, khi phát ngôn điều gì ta cần xem lời nói của mình có đúng sự thật không, có đem lại sự dễ chịu cho người khác không, có đem lại lợi ích, sự hoà hợp và có đúng thời không. Đó là lý do mà người xưa dạy “uốn lưỡi 7 lần trước khi nói” để nhắc nhở chúng ta: Mỗi lời nói khi phát ra không gây tổn hại cho bất cứ ai. Để được vậy, ta nên dùng lời ái ngữ, thái độ từ tốn, hiền dịu, hòa nhã, đoàn kết, yêu thương, xây dựng…

Khi gần một người luôn nói lời từ ái, dịu dàng, chân thật thì ai cũng sẽ có cảm tình, ngược lại, nếu tiếp xúc với những người hay nói lời ác ý, chua ngoa, cộc cằn, thô lỗ thì không thể cảm tình được. Do vậy, ái ngữ là một phương tiện hữu hiệu.

Cũng cần lưu ý, ái ngữ không chỉ là lời nói giữa người với người mà còn giữa người với loài vật. Trong chuyện tiền thân của Đức Phật trích trong Tiểu bộ kinh, tập IV có con bò Đại Hỷ ở nước Gandhara. Bấy giờ, có vị vua trị vì tên là Takkasila và tiền thân của Đức Phật là một con bò tên Nandivisàla (Đại Hỷ). Đại Hỷ được người chủ của mình chăm nuôi rất tốt. Tuy nhiên trong một lần cá cược với người bạn rằng Đại Hỷ có khả năng kéo được 100 cỗ xe cột chặt, anh ta bèn nói với Đại Hỷ: “Đồ ranh con, hãy kéo đi, đồ ranh con”.

Sau khi nghe những lời đó, con bò đã không thể giúp cho người chủ chiến thắng. Đến lần cá cược sau, người chủ sửa lại thành: “Này chú bạn hiền thiện, hãy kéo đi, chú bạn hiền thiện”. Và bò Đại Hỷ đã giúp ông chủ giành chiến thắng.

Qua câu chuyện này, Đức Phật dạy các vị Tỳ-kheo: “Này các thầy Tỳ-kheo, ngay đến con vật cũng thích nghe những lời yêu thương nên này các môn đệ, các con hãy dùng những lời từ ái để nói với nhau chứ đừng đả thương nhau bằng những binh khí miệng lưỡi”. Sau đó Ngài nói bài kệ:

Chỉ nói lời từ hòa

Không từ hòa, không nói

Ai nói lời từ hòa

Kéo đi được gánh nặng,

Khiến nó được tài sản

Do vậy, nó ưa thích”.

- Phương pháp thứ ba là Lợi hành

Lợi hành là những hành động đem lại lợi ích cho người khác. Một người có khi không có vật chất để bố thí cũng không có khiếu ăn nói nhưng có thể làm những việc lợi ích giúp cho người khác.

Lợi hành trong công việc hàng ngày là hành động trực tiếp đem lại lợi ích cho chúng sinh. Lợi hành trong việc tu tập là hành động giúp người tiến tu, học hiểu giáo pháp để áp dụng vào đời sống hàng ngày hầu đạt được giác ngộ và giải thoát.

- Phương pháp thứ tư là Đồng sự

​Đồng sự có nghĩa là cùng làm việc chung với người, đồng cam cộng khổ để cảm hóa và giúp đỡ người theo lẽ phải, theo Chánh pháp.

Mỗi người trong tập thể cùng hòa mình, cùng chung buồn vui, sướng, khổ là một nghệ thuật sống. Với tinh thần “không có gì quý hơn tình huynh đệ”, ta có thể quán niệm mình và huynh đệ là quyến thuộc Bồ-đề, rồi phát nguyện phải mến dưới trọng trên, sống trong tinh thần lục hòa. Tình đạo nương nhau chính là nương tựa dẫn dắt nhau trên bước đường cao thượng của giác ngộ, giải thoát. Xa lìa tình thân của thế gian để đón nhận tình đạo, cùng tiến tới chỗ ly dục, còn gì hạnh phúc hơn.

​Tóm lại, Tứ nhiếp pháp là sự thực tập nhằm cảm hóa lòng mình rộng mở, chấp nhận, hòa ái, từ đó cảm hóa người. Trọn đủ cả bốn pháp, đầy đủ cả tứ nhiếp sẽ trở thành một đóa hoa toàn mãn sắc hương.

Sống đời tứ nhiếp là vui

Tự mình lợi lạc, người người lợi theo

Xót thương xấu ác, đói nghèo

Chiếc thuyền mật độ nhổ neo sang bờ”.

Nguồn: Báo Giác Ngộ 

trong Tin tức
Nghĩ về Tứ nhiếp pháp trong đời sống, tu học
Ban Lien Huu 13 tháng 7, 2022
Share this post
Tag
Lưu trữ
Tiết độ là “chìa khóa” của an lạc
Trong “bảy pháp tất được hoan hỷ an lạc trong pháp Hiền thánh, thẳng tiến đến lậu tận”, sau khi tu tập biết pháp, biết nghĩa và biết thời, vị Tỳ-kheo tiếp tục thực hành các pháp tiếp theo là biết tiết độ, biết mình và biết hội chúng. Tiết độ trong Phật giáo được xem là cứu cánh, để ta có được cái nhìn chính kiến, sống ung dung tự tại, không bị phiền não và cám dỗ bởi danh lợi vật chất.