Người có tâm – “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”
Chúng ta thường nghe nói, con người “quý ở chữ tâm”, “hơn nhau ở chữ tâm” hay “sống phải có tâm”. Cụ Nguyễn Du cũng nói trong Truyện Kiều rằng “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.


Chữ tâm trước hết có nghĩa là lương tâm, là tâm lương thiện, trong sáng. Người có lương tâm là người không làm những việc ác, những việc có hại cho người khác, dù việc đó có mang lại lợi ích cho mình. Một trong những mục đích quan trọng của đời người là kiếm tiền. Con người làm nghề này nghề kia, việc này việc nọ thì điểm đến cơ bản vẫn là tiền. Chúng ta không thể phủ nhận điều này. Tuy nhiên, người có tâm quan niệm về tiền cũng như cách kiếm tiền khác với người không có tâm. Người không có tâm kiếm tiền bằng mọi cách, mọi giá bất chấp pháp luật, đạo đức và tình người. Còn người có tâm cũng kiếm tiền nhưng họ không vì để có được tiền mà làm hại người khác.

Người có lương tâm là người biết nghĩ cho người khác. Lương tâm thể hiện trong mọi lĩnh vực xã hội, từ việc đại sự quốc gia ảnh hưởng đến nhiều người cho đến những việc nhỏ nhặt giữa cá nhân với nhau. Vì lợi ích của mình mà không màng đến đau khổ của người khác là người không có lương tâm, còn người có lương tâm biết cân bằng giữa lợi ích của mình và người khác. Người không có lương tâm vô cảm trước nỗi đau của người; người có lương tâm biết suy bụng ta ra bụng người, biết đặt mình vào trường hợp của người khác.

Người có tâm còn là người biết quan tâm đến người khác, nhất là những người có hoàn cảnh bất hạnh hơn mình. Trong cuộc sống không thiếu những cảnh “kẻ ăn không hết người lần không ra”. Có những gia đình vào nhà hàng kêu rất nhiều món, ăn một nửa bỏ một nửa, trong khi có những đứa trẻ không đủ cơm ăn, áo mặc. 

Có lần tôi ăn bánh ngọt và làm rớt xuống đất một ít bánh vụn. Chỉ vài phút sau, hàng trăm con kiến kéo nhau đến để ăn. Những miếng bánh vụn đó đối với tôi chẳng là gì cả, nhưng có thể làm no lòng hàng trăm con kiến. Xã hội loài người cũng có những hiện tượng như vậy. Đối với một số người, vài triệu đồng chẳng là gì cả. Một chuyến du lịch hay một tiệc sinh nhật của họ có thể lên đến vài chục hay vài trăm triệu. Nếu một phần số tiền đó đem đi làm từ thiện thì nhiều người sẽ được nhờ. Trước đây, khi thấy kiến bu đồ ăn rớt dưới đất, tôi liền lấy chổi quét ra ngoài, nhưng giờ thì tôi không quét nữa mà để cho chúng ăn. Sau khi ăn hết thì tự nhiên chúng sẽ đi. Nếu trong cuộc sống, những người giàu có biết chia sẻ, dù chỉ chút ít cho những người nghèo khổ thì hay biết mấy.

Người có tâm cũng là người có tấm lòng bao dung, độ lượng, thấu hiểu và sẵn sàng giúp đỡ người khác theo khả năng của mình. Người có tâm sẽ không làm khó làm dễ người khác khi có ai đó cần đến mình, ngược lại họ sẽ tận tình giúp đỡ bằng sự thấu hiểu và cảm thông sâu sắc. Một số người khi có quyền sinh sát trong tay thì tỏ ra hách dịch, hoạnh họe đủ điều, gây khó khăn để chứng tỏ “ta đây” hoặc yêu sách này nọ. 

Thật ra, khi nói đến chữ tâm, chúng ta muốn nói đến sự đáng kính, đáng quý của những tấm lòng cao thượng trong xã hội, chứ mọi thứ đều có nhân quả cả. Nhân tốt thì quả tốt, nhân xấu thì quả xấu, không phải có sức mạnh là sẽ chiến thắng. Nếu mình ỷ mạnh mà hiếp đáp người khác, cậy quyền thế mà lấy của người khác thì cái mình chiếm đoạt được cũng sẽ không bền. Đức Phật dạy rằng: Tài sản của chúng ta, nếu không phải thật sự của mình, không do phước của mình mà có được thì sớm muộn gì cũng bị năm nhà lấy đi. Trong kinh Tạp A-hàm (số 1291), Đức Phật dạy rằng:

“Phước, lửa không thể thiêu

Phước, gió không thể thổi

Thủy tai hại trời đất

Phước, nước không chảy tan.

Vua ác và giặc cướp

Cưỡng đoạt của báu người

Nếu người nam, người nữ

Có phước không bị cướp.

Kho báu, báo phước lạc

Cuối cùng không bị mất”.

Cuộc sống không hề dễ dàng. Mỗi người có hoàn cảnh khác nhau cho nên đều có lý do để cho rằng việc làm của mình là cần thiết. Tuy nhiên, người có tâm biết rằng cuộc đời này khổ nên họ không gây thêm đau khổ cho người khác. Còn người không có tâm chỉ làm sao có lợi cho mình mà thôi. Thế nhưng con người có ai sống mãi đến ngàn năm để tranh giành hơn thua.

“Trăm năm ngó lại được gì

Đồi chiều nấm đất xanh rì cỏ rêu

Một đời thương hận ghét yêu

Mưu toan cho lắm, một chiều phủi tay”

(Thơ Toại Khanh)

Và có lẽ:

“Chuyện đời như nước chảy hoa trôi

Lợi danh như bóng mây chìm nổi

Chỉ có tình thương để lại đời”

(Thơ Tôn Nữ Hỷ Khương)

Tình thương chính là chữ tâm đó.

trong Tin tức
Người có tâm – “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”
Ban Lien Huu 15 tháng 6, 2022
Share this post
Tag
Lưu trữ
Tu thế nào để thay đổi bản thân?
Đạo Phật là con đường giúp ta ngộ ra bản chất của thiện ác, nguồn gốc của mọi đau khổ và hướng ta đi đến cái đức lành giải thoát. Mà đạo nào thì cũng phải lấy đức làm chuẩn, nếu cái tâm đức mà không có đạo làm bệ đỡ thì nó cũng lênh đênh trôi nổi, sa vào dị đoan mê tín, huyễn hoặc cho mình và người một cách hết sức tai hại. Vì lòng tham không đáy, ngã mạn vô chừng, dục vọng miên man truyền kiếp.