"Phật địa Đại Tùng Lâm Hoa Sen cốt yếu phải giữ được sự chân chánh và phải là thắng duyên để đại chúng cùng quy về sống trong đường Chánh đạo, Chánh pháp của Đức Phật mà chân thật lễ Phật bái tổ, nương lực đại chúng chân thật tu hành và chân thật niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc".
Đó cũng chính là những lời sách tấn và cũng là tâm nguyện của Bác Tường Vân khi khai sơn, sáng lập, xây dựng Đại Tùng Lâm Hoa Sen, với sứ mệnh duy trì mạng mạch Phật pháp thiêng liêng cùng pháp môn Tịnh Độ tối thắng.
Chính vì thế, trong khuôn khổ Khoá Cộng Tu Tịnh Độ cuối tháng 6/2023 - Phật lịch 2567 tại Đại Tùng Lâm Hoa Sen, toàn thể đạo tràng đã cùng tu một ngày “Tịnh Khẩu” để cùng nhau quán chiếu thân - khẩu - ý của mình trong từng sát-na, để giữ sự trang nghiêm, thanh tịnh cho bản thân, cho các đạo hữu, pháp hữu và cũng là giữ sự trang nghiêm, thanh tịnh cho toàn thể đạo tràng.
Các Phật tử, Liên hữu đồng tu vân tập trước Niệm Phật đường 500 để bắt đầu thời khoá công phu khuya
Toàn thể đạo tràng cùng thâu nhiếp lục căn, trang nghiêm thân tâm, nhiếp tâm niệm Phật trước thời khoá công phu
Thế nhưng chúng sanh thời Mạt pháp vốn là phàm phu vô trí, để gặp được duyên lành dẫn dắt vào chân lý tối thượng bằng cửa ngõ niệm Phật, chỉ có nguyện lực và chí nguyện vẫn chưa đủ chúng sanh còn phải có "trí lực" để lấy Bát Chánh Đạo làm gốc thì mới đi được trên con đường thắng đạo.
Con đường thắng đạo ấy chính là lấy sự trang nghiêm, thanh tịnh của từng Liên hữu đồng tu làm gốc, khi ấy chốn thiền môn mới thực sự là đạo tràng trang nghiêm, thanh tịnh.
Trong mỗi thời khoá công phu của “Ngày Tịnh Khẩu” toàn thể đạo tràng đều giữ tâm thanh, lòng tịnh nghe từng hồi chuông trống Bát-nhã âm vang khắp hư không pháp giới. Tiếng chuông ấy có đầy đủ định lực và uy lực, giúp cho người cõi trần được tỉnh thức, người tu hành thêm tinh tấn. Đó vừa là âm thanh thức tỉnh mọi cõi tâm vô minh còn vọng tưởng, tạp niệm, vừa là âm thanh hiền hoà của sự thanh bình và an lạc.
Nương theo pháp kinh hành niệm Phật, mỗi bước đi kinh hành của các Phật tử, đồng tu là một sự quán tưởng về bốn pháp: Quán thân bất tịnh - Quán thọ thị khổ - Quán tâm vô thường - Quán pháp vô ngã. Kinh hành theo bước chân Phật, mỗi Phật tử, đồng tu niệm Phật theo từng bước chân, niệm từng tiếng, từng chữ cho tròn câu Phật hiệu "Nam Mô A Di Đà Phật" và quán tưởng mình đang bước trên hoa sen, đang đi vào cõi Tịnh Độ.
Lành thay những phước duyên lành đã thâu nhiếp đại chúng về đạo tràng ĐTLHS cùng hành trì tinh tấn, nhiếp trọn sáu căn tụng kinh niệm Phật. Tiếng tụng niệm câu Phật hiệu “A Di Đà Phật” âm vang vốn đầy đủ vô lượng vô biên hằng hà sa công đức, vô lượng vô biên hằng sa lực dụng, cứu cánh, cảnh giới, giác tánh… dẫu trăm ngàn muôn ức vi trần đại kiếp cũng không thể diễn nói hết được. Âm vang ấy thức tỉnh, mời gọi vạn loài hữu tình, vô tình đến thính pháp văn kinh, cùng nhau nhiếp tâm đồng niệm Phật.
Sau mỗi thời khoá, toàn thể đại chúng đều hồi hướng trọn công đức phước lành, ngưỡng nguyện Đức Từ Phụ A Di Đà, Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, Đức Đại Thế Chí Bồ Tát cùng mười phương chư Phật từ bi gia hộ cho hết thảy chúng sanh hữu tình, vô tình, cho cửu huyền thất tổ, thân bằng quyến thuộc nhiều đời nhiều kiếp, chư vị hương linh vong linh khắp pháp giới khổ nạn đều được quy y pháp môn Tịnh Độ, thoát khỏi sanh tử luân hồi, đồng nguyện vãng sanh về cõi nước Cực Lạc.
Đồng thời, toàn thể đạo tràng cũng thành tâm cầu nguyện xin tha lực từ bi của mười phương chư Phật, chư Bồ Tát, Đức Phật A Di Đà, Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, Đức Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát, cùng chư vị đem ánh tịnh soi chiếu, dùng nguyện từ bi nhiếp thọ để các vong linh được tiếp dẫn về nơi an lạc, siêu sanh Tịnh Độ.
Với mục đích “Hoằng dương chánh pháp - Lợi lạc quần sanh”, ngưỡng nguyện ân đức của Tam Bảo hộ trì cho mỗi vị Phật tử, đồng tu sẽ có đủ nguồn năng lượng cùng lòng tín tâm niệm Phật để truyền đi và tiếp thêm cho các đạo hữu đồng tâm cùng quy hướng tu pháp Tịnh Độ, giữ thiện căn Bồ-đề kiên cố và thân tâm luôn được an lạc tiến tới Phật quả Chánh đẳng Chánh giác trên con đường giác ngộ chân diệu pháp.
Xin thường niệm: