Không gian tu tập phước báu nhiệm mầu, đạo tràng niệm Phật trang nghiêm, thanh tịnh, nguyện lực của Đức Phật A Di Đà, thần lực của mười phương chư Phật châu biến khắp pháp giới, thâu nhiếp hết thảy những tín nguyện sâu dày trì danh hiệu Phật. Đó có lẽ là những năng lượng mà đại chúng đều cảm nhận được, và cũng là ân huệ thù thắng, viên mãn không thể nghĩ bàn khi những người con Phật cùng tinh chuyên niệm Phật, lão thật niệm Phật.
Nhất niệm tịnh tín để những cõi tâm được trở về với Phật
Đức Phật dạy trong Kinh Tăng Chi Bộ: “Có một pháp, này các Tỳ-kheo, được tu tập, được làm sung mãn, đưa đến nhất hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Một pháp ấy là gì? Chính là Niệm Phật. Chính một pháp này, này các Tỳ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhất hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn”.
Đức Thế Tôn thấy rõ pháp hữu vi đều vô thường, và tất cả chúng sinh vẫn sẵn đủ đức tướng, trí tuệ như Như Lai, nhưng do vì mê mờ bản tâm, nên đã tạo ra vô số nghiệp hoặc, rồi cứ mãi chịu chìm đắm trong vòng sanh tử luân hồi. Dù cho được sinh lên cõi Trời, khi hưởng hết phước báo rồi thì cũng phải bị sa đọa. Vì thế, bản ý của Ngài là: “Muốn cho chúng sinh do nơi pháp môn Niệm Phật mà sớm thoát khỏi khổ luân hồi”. Và sự giải thoát ấy lại có thể thực hiện ngay trong cùng một kiếp sống.
Tuy nhiên, chúng sanh thời Mạt pháp nghiệp lực sâu dày, căn tánh bất đồng, thiên sai vạn biệt, nếu không tha thiết đến sự liễu thoát sanh tử, không thiết thực quán xét nỗi khổ trong kiếp sống luân hồi, không phát vô thượng Bồ-đề tâm, tức là phát khởi cái tâm mong cầu quả vị Phật A Di Đà tất phải bị luân hồi, khó mà đạt đạo giác ngộ giải thoát. Bởi Kinh văn đã dạy rằng: “Bồ-đề tâm làm nhân, Đại bi làm căn bản, phương tiện Trí tuệ làm cứu cánh”. Chư Phật, Tổ cũng dạy rằng: “Muốn đạt được kết quả trên lộ trình giải thoát cần phải phát tâm Bồ-đề, lợi mình lợi người. Vậy mới mong Phật quả sớm viên thành, tự độ độ tha. Cùng dìu dắt nhau vượt qua sông mê biển ái, lên bờ giác an vui”.
Chư Phật trong nhiều A-tăng-kỳ kiếp huân tu phước huệ, cho nên nếu ai xưng niệm hồng danh của Như Lai sẽ được vô lượng vô biên công đức. Lại nữa, Đức Phật A Di Đà đã lập ra lời thệ nguyện vĩ đại: “Nếu chúng sinh nào niệm được danh hiệu của Ngài cầu sanh về Cực Lạc thế giới, thì kẻ ấy khi mạng chung sẽ được tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương và chứng lên ngôi bất thoái chuyển”.
Nhiếp trọn sáu căn – Tịnh niệm tiếp nối
Đặt tâm ở Cực Lạc, lắng nghe diệu pháp của Đức Từ Phụ, mỗi Phật tử, đồng tu như được trở về với chơn tâm thanh tịnh sáng suốt của mình. Để rồi từ đó, tất thảy đều phát nguyện dõng mãnh điều phục, chuyển hoá, tịnh hoá thân tâm, chuyển tâm vọng tưởng thành tâm niệm Phật.
Với khát vọng giải thoát mọi chúng sanh
Nương vào nguyện lực của chư Phật mười phương, nương đại chúng mà buông xuống vạn duyên để chuyên cần tinh tấn trì danh hiệu vạn đức “A Di Đà Phật”. Danh hiệu ấy vốn đầy đủ vô lượng vô biên hằng hà sa công đức, vô lượng vô biên hằng hà sa ý nghĩa, vô lượng vô biên hằng hà sa lực dụng, cứu cánh, cảnh giới, tánh giác. Dẫu trăm ngàn muôn ức vi trần đại kiếp cũng không thể diễn nói hết được.
Ngay trong từng câu niệm Phật, sức mạnh tâm linh của Đức A Di Đà đã khai sinh trong chúng sanh một con người của Phật tánh, và bản nguyện của Ngài đã làm trọn vẹn con đường tu hành của chúng sanh bằng những ân huệ nhiệm mầu, thù thắng, viên mãn không thể nghĩ bàn.
Chính vì thế, Bác Tường Vân luôn luôn sách tấn, khuyến tấn đại chúng phải biết chấp trì, huân tập câu Phật hiệu trong tâm. Bởi hành giả tu pháp môn Tịnh Độ chân chánh thì phải luôn luôn cung kính và chí thành xưng niệm danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật liên tục, không gián đoạn, không xao lãng. Giả thử có lúc tạm quên, thì phải ngay lập tức hồi tưởng đến bản nguyện A Di Đà và gấp rút niệm Phật trở lại, quyết không để cho tâm thức chìm đắm trong vọng tưởng.
Kinh hành theo bước chân Phật, mỗi Phật tử, đồng tu niệm Phật theo từng bước chân, trong tâm thảy đều là Nam Mô A Di Đà Phật, chỉ một phiến Phật hiệu, tức không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn, tức là buông xuống vạn duyên thì công phu sẽ thành phiến.
Trong không gian phước báu trang nghiêm, Phật hiệu cứ thế từng câu nối tiếp nhau, không có tạp niệm vọng tưởng, cũng không có chấp trước. Chỉ một câu “Nam Mô A Di Đà Phật” mà hành trì “niệm di vô niệm, di niệm vô niệm”, tức là niệm mà không niệm, không niệm mà niệm thì chẳng bao lâu Tánh Nghe cũng không còn. Và khi ấy, danh hiệu của Đức Từ Phụ như tuôn chảy liên miên bất tận thành một dòng tâm mà mỗi sát na đều hiển hiện “Chân Như Tánh”.
Sau mỗi thời khóa công phu, toàn thể đại chúng đều hồi hướng trọn công đức ngưỡng nguyện thập phương tam thế chư Phật, chư Bồ Tát, Đức Từ phụ A Di Đà Phật, Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, và chư vị từ bi gia hộ cho hết thảy chúng sanh hữu tình, vô tình, cho cửu huyền thất tổ, thân bằng quyến thuộc nhiều đời nhiều kiếp, chư vị hương linh vong linh khắp pháp giới khổ nạn đều được quy y pháp môn Tịnh Độ, tu hành đến Tri Kiến Giải Thoát, thoát khỏi sanh tử luân hồi, đồng xin nguyện được vãng sanh về Cực Lạc Quốc.
Đồng thời, toàn thể đạo tràng cũng thành tâm cầu nguyện xin tha lực từ bi của mười phương chư Phật, chư Bồ Tát, Đức từ phụ A Di Đà Phật, Đức Quan Thế Âm Bồ Tát, Đức Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát, cùng chư vị đem ánh tịnh soi chiếu, dùng nguyện từ bi nhiếp thọ để các vong linh được tiếp dẫn về nơi an lạc, siêu sanh Tịnh Độ.