Ngày nay, may mắn có được thân người, nghe được Phật pháp. Có lòng tin đối với Tam Bảo. Chư Phật, tổ dạy rằng: Muốn đạt được kết quả trên lộ trình giải thoát cần phải phát tâm bồ đề, lợi mình lợi người. Vậy mới mong Phật quả sớm viên thành, tự độ độ tha. Cùng dìu dắt nhau vượt qua sông mê biển ái, lên bờ giác an vui.
Nhớ khổ tử sinh phát tâm Bồ đề
Bồ đề tâm có thể nói là tinh túy của Phật Pháp, tức là tâm giác ngộ. Phát Bồ đề tâm nguyện tức là nguyện tu tập đạt được giác ngộ. Cho nên trong giáo Pháp của Phật rất coi trọng tâm Bồ đề. Phát tâm bồ đề có nhiều lý do để phát, trong đó một nguyên nhân khá quan trọng mà hành giả cần lưu tâm đến. Đó là: “Nhớ khổ sinh tử mà phát tâm bồ đề”.
Như thế nào là nhớ khổ sinh tử? Nghĩa là: Ta và chúng sanh từ nhiều kiếp đến nay, thường ở luân hồi, chưa từng giải thoát. Lúc ở nhân gian, khi thì được sanh lên trời; khi ở thế giới này, lúc về thế giới khác. Ra vào muôn lối; chìm nổi mấy chốc. Đang sống ở thiên giới chợt sanh xuống làm người, thoáng một chút đã rơi vào địa ngục, ngạ quỷ rồi súc sanh. Chốn u tối buổi sáng mới ra chiều đã trở lại; nơi mịt mù tạm thời rời khỏi rồi lại vào ngay.
Leo núi đao thì toàn thân tan nát; trèo rừng kiếm ruột gan tả tơi. Sắt nóng không đỡ đói, nuốt nó vào thì ngũ tạng chín nhừ; đồng sôi đâu bớt khát, uống nó xong thì tứ chi mềm nhũn. Cưa sắt xẻ ra đứt rồi lại kết; gió độc thổi tới thì chết rồi lại sanh. Lửa cháy ở trong thành, toàn tiếng kêu gào thảm thiết; rang nướng trên chảo, chỉ vọng âm thanh khổ đau. Giá lạnh mới đông, hình dáng tợ nhụy sen xanh kết nụ; máu thịt vừa vỡ, thân thể giống bông sen hồng nở tung.
Sống chết một đêm, dưới địa ngục trải qua vạn lần; khổ đau một ngày, trên nhân gian mất cả trăm năm. Không tin lời dạy bảo của Diêm Vương làm lao lực Ngục tốt hành hạ, khi thọ báo mới biết khổ thì tuy hối hận cũng không còn kịp. Thế mà, mới thoát ra đã vội quên rồi tác nghiệp lại như cũ. Đánh con lừa tươm máu, nào hay đích thị cha mẹ mình bị lụy thân.
Khi nhỏ ngây ngô tất cả không biết gì? Lúc lớn lanh lẹ hiểu biết mọi điều thì tham dục phát sinh. Già bệnh phút chốc tìm đến; sống chết vội vàng trở lại. Gió nghiệp thổi đến thần thức hỗn loạn; máu huyết khô dần da thịt héo teo. Không một chân lông nào khỏi đau bởi kim chích; chẳng một miếng da nào đỡ khổ vì dao cắt. Con rùa đem nấu, vỏ nó còn dễ lột; thần thức sắp mất, hồn rời khỏi xác càng khó hơn. Tâm bất định giống như thương gia rong ruổi khắp nơi; thân vô thường khác nào phòng nhà thường xuyên dời đổi. Bụi trần bao la thế giới, khó tính hết thân luân hồi; làn sóng mênh mông biển cả, chẳng lượng bằng lệ biệt ly. Xương khô chất thành đống cao hơn đỉnh núi; xác chết rải ra đất rộng hơn đại địa.
Nếu như, không nghe lời Phật dạy, sự việc này ta sao biết, sao hay? Chưa xem kinh Phật thuyết, đạo lý ấy mình đâu hiểu, đâu thông? Thế mà, nhiều người tham luyến như xưa; lắm kẻ si mê như cũ. Chỉ e rằng, muôn kiếp nghìn đời một chút sai lầm kéo theo trăm điều lẫn lộn. Thân người khó được mà dễ mất; dịp tốt hiếm có lại dễ qua. Đường sá mịt mù muôn trùng cách biệt; tam đồ ác báo tự mình nhận lấy.
Than ôi! Thống khổ cơ hàn nói sao hết được, ai là người chịu thay cho; mở lời đến thế, ta sao khỏi chạnh lòng. Bởi vậy cho nên, ta phải nỗ lực vượt thoát biển ái dục, cắt đứt dòng sanh tử, tự giải thoát cho mình rồi giúp người vượt mê, đồng đăng bỉ ngạn. Bao nhiêu kết quả phi thường nhiều kiếp về sau, đều do quyết định từ bây giờ. Đó là nhân duyên thứ sáu của Bồ đề tâm.
Trong kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật dạy chúng ta làm việc thiện, tu việc thiện mà thiếu Bồ đề tâm thì vẫn là hành động theo Ma vương. Chúng ta hành thiện được phước báo, chúng ta giàu sang phú quý, xinh đẹp rồi sống lâu, mạnh khỏe thì lại thụ hưởng ngũ dục thôi. Thụ hưởng ngũ dục rồi lại sa đọa, chìm đắm. Cho nên, con đường đấy gọi là con đường luân hồi và đúng là con đường của Ma vương. Ma vương thích chúng ta đi luân hồi thật lâu để chúng có bạn; Ma vương không thích giải thoát, nó thích đi luân hồi, nó thích mọi người cùng làm việc xấu, việc ác với nó để cho có đồng bọn. Cho nên chúng ta tuy làm việc thiện mà không có tâm Bồ đề thì chúng ta vẫn là hành động theo ý tưởng của Ma vương”.
Với khát vọng giải thoát mọi chúng sanh
Tài liệu tham khảo:
Con đường giác ngộ, Phần 5 - Phát tâm Bồ đề, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh
Kinh Hoa Nghiêm, HT. Thích Trí Tịnh dịch Việt