Lý nhân duyên – Trùng trùng duyên khởi
Phật giáo quan niệm: Tất cả sự vật, hiện tượng trong vũ trụ, từ nhỏ như hạt cát, hạt bụi đến lớn như quả địa cầu luôn luôn vận động và biến đổi không ngừng theo quy luật “Thành - Trụ - Hoại - Không”, tức là mỗi sự vật đều có quá trình hình thành, phát triển và tồn tại một thời gian, rồi biến chuyển đi đến hủy hoại và cuối cùng là tan biến. Về chúng sinh, Phật giáo cho rằng cũng không nằm ngoài quy luật đó, hay nói cách khác là bất cứ ai cũng phải tuân theo quy luật “Sinh - Lão - Bệnh - Tử”. Sự biến chuyển, đổi thay liên tục này gọi “vô thường”. Tất cả đều bị chi phối bởi quy luật nhân – duyên. Nhân và duyên cũng không phải tự nhiên mà có, mà nó được tạo ra bởi sự vận động của các sự vật, hiện tượng và quá trình hợp – tan của các nhân – duyên có trước, để từ đó tạo ra nhân – duyên mới, Phật giáo gọi đó là tính “trùng trùng duyên khởi”.
Phật giáo quan niệm, con người hiện hữu trên trái đất là do duyên nghiệp từ các kiếp trước. Sự xuất hiện của một con người là do nhiều nhân – duyên hội hợp và người đó không còn tồn tại khi nhân – duyên tan rã. Trong chuỗi 12 nhân – duyên (thập nhị nhân duyên) – cốt lõi của nhân sinh quan, sợi dây liên tục nối tiếp con người trong vòng sinh tử luân hồi (1. Vô minh – 2. Hành – 3. Thức – 4. Danh sắc – 5. Lục nhập – 6. Xúc – 7. Thọ - 8. Ái – 9. Thủ - 10. Hữu – 11. Sinh – 12. Lão tử), Phật giáo cho rằng chuỗi này có quan hệ gắn bó mật thiết với nhau, cái này là quả của cái trước nhưng lại là nhân – duyên cho cái sau.
Muôn vật từ nhân – duyên mà sinh và cũng do nhân – duyên mà diệt. Lý nhân duyên làm ta ngộ ra một điều rằng: Con người là một đấng tạo hóa tự tạo ra đời sống của mình, tự làm chủ đời mình và vận mệnh của mình. Cuộc đời con người vui sướng hay phiền não đều do nhân và duyên mà con người tự tạo ra chi phối.
Mọi sự vật luôn luôn biến chuyển, đổi thay, mọi thứ ta có, ta nhìn thấy đều chỉ là vô thường. Vô thường là sự biến đổi, là không thường còn, không mãi ở yên trong một trạng thái nhất định mà thay đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác, từ hình thành đến phát triển rồi tan rã “Hằng chuyển như bộc lưu” (luôn lưu chuyển như nước dốc).
Kinh điển Phật giáo thường dùng những hình ảnh như ánh chớp, sương mai, bọt nước… để nói lên đặc tính vô thường, ngay nơi sinh liền diệt của vạn vật. Kinh Kim Cang nói: “Tất cả pháp hữu vi như mộng, như huyễn, như bong bóng nước, như sương mai, như tia lửa lóe lên giữa bầu trời”. Kinh Lăng-già cho rằng các pháp hữu vi “không thật, mau như điện chớp, thế nên nói là như huyễn”. Đó là vô thường biến động trùng trùng, là năng lực cân bằng, là sinh khởi các pháp. Đó là vô thường biến động trùng trùng, là năng lực cân bằng, là sinh khởi các pháp. Sự thật là vậy nhưng không phải ai cũng thấy và chấp nhận, đó là nguyên nhân của khổ đau, hệ lụy. Do đó chúng ta phải thực tập để thể nhập, chứng ngộ sự thật này.
Trong bài “Nguyện cầu”, nhà thơ Vũ Hoàng Chương đã cảm thán về cuộc đời như sau:
Vẫn biết, cuộc đời này luôn biến hoại theo quy luật tạo hóa nào đâu dễ cưỡng. Không ai biết mình sống thọ bao lâu trên cõi đời này. Mở mắt thức dậy thấy mình còn thở, còn ngắm ánh bình minh ló dạng là một đặc ân, một sự diễm phúc lắm rồi. Vẫn biết cuộc đời vô thường như chiếc lá, từ lúc nhú mầm là như chích vết đau vào hư không. Và cái được mất tưởng của ta song xét cho cùng đều nằm giữa mênh mông biển người. Nhưng mấy ai chẳng nuối tiếc cuộc vui mà bình an buông xuống những những lụy phiền nhân thế…
Con người nào hay ngoài nỗi cơ cực của kiếp người, còn có đời sống siêu thoát, đời sống an lành. Ðó là đời sống của người hiểu “chân diệu pháp”, tức là Phật pháp. Không hiểu “chân diệu pháp” con người sẽ khổ đau mãi mãi trong kiếp luân hồi. Phàm là con người, không ai muốn kéo dài đời mình trong sự khổ não, cũng chẳng ai rút ngắn cuộc đời trong sự giàu sang. Ý thức được điều đó, ta sẽ thấy mình cần phải tu tập và thực hành “quán vô thường”.
Quán vô thường không những thúc đẩy việc tu tập của ta mà còn tiếp thêm năng lượng an yên cho chính ta nữa. Một khi bị lôi cuốn vào dòng chảy phù hoa của đời sống trần tục, những cảm xúc phiền não, tham lam, sân hận, si mê, ganh tỵ, kiêu ngạo sẽ gia tăng, và đưa đường dẫn lối tạo thêm ác nghiệp. Những cảm xúc phiền não này chỉ gây rắc rối, làm cho bản thân và những người xung quanh rơi vào tình trạng khó chịu. Vì vậy, ta cần phải có sự chuyển hóa từ bên trong. Sự hiểu biết về nhân quả nghiệp báo và luân hồi giúp mở rộng tầm mắt, có thể hiểu trọn vẹn tính chất của khổ đau, kiếp luân hồi và phát triển lòng từ bi.
Tu quán vô thường, quán sát thân tâm và hoàn cảnh đều đổi thay để trừ bệnh tham ái và tiến tới sự an tịnh của tâm hồn. Quán vô thường để biết rằng đời người là quý báu và không để mất cơ hội tu tập, làm thiện. Như vậy, những năm tháng ngắn ngủi của chúng ta ở cõi đời này sẽ có ý nghĩa biết bao.
Kinh Tạp A-Hàm, Quyển 1, Kinh 1. Vô thường, HT. Thích Đức Thắng dịch Việt
Kinh Tương ưng bộ III, HT. Thích Minh Châu dịch Việt