Tâm chí thành chí kính – Một lòng chí kính, một đời thành tựu
Trên đường tu hành cầu giải thoát, lời Phật dạy là ngọn đuốc soi sáng tâm linh. Người học Phật cần sáng suốt, trí huệ, cần phải tiếp cận với quang minh của Phật để được minh tâm, nhờ minh tâm mà kiến tánh, kiến tánh để thành Phật. Nên nhớ rằng, cái lý đạo chân chánh nhất nằm ngay trong tâm của chúng ta.

“Phật tại tâm”. Nếu chơn tâm của chúng ta là Phật thì ta phải thành kính Phật. Nói cách khác, thành kính Phật là ta đang trở về với chơn tâm, không thành kính Phật là ta đang quay lưng với chơn tâm, xa lìa bổn tánh. “Trở về chơn tâm” là nhân; “Một lòng thành kính” là quả; “Một lòng thành kính” là nhân; “Một đời thành tựu” là quả. Học Phật là hành trình trở về chính cái chơn tâm của mình, ta sẽ đắc chính cái chơn tâm của mình. Ta có cái chơn tâm, chơn tâm này là Phật. Nhưng chơn tâm của chúng ta bị vô minh, phiền não, nghiệp chướng che lấp quá lâu, giờ đây muốn trở về lấy lại những gì của chính mình, nhưng tự ta không đủ khả năng đột phá. Cho nên, “Một lòng thành kính” chư Phật là hành động chính xác và cần thiết, một là để tâm ta luôn luôn có Phật, hai là quang minh chư Phật sẽ chiếu đến gia trì cho ta. Nội ngoại tương hợp để phá vỡ vô minh, nghiệp chướng. Chính vì thế mà pháp môn niệm Phật được gọi là pháp nhị lực, lực của ta hợp với lực của Phật, cứu một chúng sanh tội chướng sâu nặng như chúng ta một đời thoát ly sanh tử luân hồi, vãng sanh bất thối thành Phật.


Học Phật là hành trình trở về chính cái chơn tâm của mình. Tâm không thành kính Phật thì trong tâm không có Phật.

Pháp Phật đối với ta có nhiệm mầu, có linh nghiệm hay không chính là ta có tâm chí thành, chí kính hay không. Tâm chí thành, chí kính tự nó tạo ra công đức. Chư Tổ dạy: Một phần thành kính được một phần công đức, mười phần thành kính được mười phần công đức. Nhất thiết phải có tâm thành kính mới thâm nhập vào Phật đạo, mới khai ngộ được chơn tánh. Người không có tâm thành kính Phật Bồ-tát thì dù cho có thông minh, tài cao, là trượng phu quân tử hay anh hùng hào kiệt, thì nhiều lắm cũng chỉ là sự thành công trong thiện pháp của thế gian mà thôi! Nghĩa là, đường thiện có thể đi, nhưng luân hồi sanh tử chắc chắn khó thoát khỏi! Tại sao lại như vậy? Đức Phật dạy: “Nhất thiết duy tâm tạo”. Tâm không thành kính Phật thì trong tâm không có Phật. Xa lìa Phật là xa lìa chơn tâm, xa lìa chơn tâm thì sống với cái vọng tâm. Đã sống với vọng tâm thì phải theo vọng tâm để chịu sanh diệt vô thường! Trong kinh, Đức Phật dạy niệm Phật cầu sanh Tịnh độ, người con Phật mà không nghe lời Phật, không chịu niệm Phật, không thèm cầu sanh Tịnh độ, thì rõ ràng trong tâm đã có ý đề kháng với Phật, không thể tiếp nhận Phật lực gia trì.
 

Trên đường tu hành, ta vẫn thường gặp những người chủ trương không niệm Phật, đây là chuyện rất thông thường chứ không có gì đặc biệt. “Pháp môn vô hữu cao hạ”, học pháp Phật thì trước sau gì cũng thành Phật, nhưng sự khó dễ và thời gian thành tựu chắc chắn có khác. Nếu thực sự là người thượng căn thượng trí thì tự lực chứng đắc có thể đúng. Còn người bình thường mà theo con đường đó, thì quả thực không đơn giản! Biết rằng quá khó mà vẫn quyết tâm đi. Thành thực mà nói, đây là những người có chí khí kiên cường, nghị lực tuyệt luân, tâm đạo cao cả. Thật sự ta phải kính phục!

Trong thời mạt pháp này tu hành rất khó, rất nhiều chướng ngại, chướng ngại từ thế lực bên ngoài, chướng ngại từ trong tâm của mỗi chúng ta. Hoàn cảnh, môi trường, xã hội, tập quán, tư tưởng, cách sống,… đều có thể là đối tượng làm chướng ngại tâm đạo của người tu hành. 

Trong kinh Đại Tập, Đức Phật dạy rằng, Phật giáo sẽ biến chuyển qua 5 thời kỳ: Giải-thoát, Thiền-định, Đa-văn, Tháp-tự, Đấu-tranh, thì hiện giờ chúng ta đang ở trong thời kỳ tranh đấu kiên cường, càng ngày sự nhiễu loạn càng lớn. Trong nhiều kinh luận của chư Phật, chư Tổ dạy khá rõ ràng điều này. Biết được sự thật đó, chúng ta cần phải cẩn thận. Người tu hành chân chính, thực sự muốn một đời này thoát ly tam giới lục đạo, vãng sanh Tây Phương bất thối thành Phật, thì cần nên để ý, đừng để vướng vào vòng đấu tranh, thị phi, phân biệt. Vì thực sự, có lẽ đây là cộng nghiệp của chúng sanh phải chịu ở thời mạt pháp.

Thời mạt pháp sự đấu tranh rất kiên cố. Sự đấu tranh này không chỉ riêng cho thế gian, mà thật sự đã ảnh hưởng đến thiền môn. Cho nên nếu thấy những tư tưởng ý kiến hay chủ trương trái ngược nhau, thì chúng ta phải có đủ nghị lực, vững vàng giữ chí hướng của mình. Hãy nghĩ rằng, trên con đường thành Phật, đôi lúc ta gặp những chướng vật cản trở, nên khôn khéo tránh qua, rồi đường ta ta cứ tiếp tục đi, đừng nên ra sức phá vỡ chướng vật mà coi chừng tao bị trễ giờ hẹn. Vạn vật vô thường, chướng vật cũng chỉ là vật vô thường, đừng vì một vật vô thường mà mình đành chịu thêm vô thường nữa.


Trên đường tu hành cầu giải thoát, thành tựu hay không là nhờ vào sự chân thành tu tập theo lời Phật dạy

Đứng về mặt thế gian pháp, thì quyết tranh phải-trái, chánh-tà, tốt-xấu, hơn-thua… là chuyện thường tình. Riêng đối với pháp xuất thế gian, thì đấu tranh không được tuyên dương. Phật dạy, tất cả mọi hiện tượng xảy ra trên hoàn vũ này đều có nhân quả. Nếu đã có cá nhân xấu thì phải chịu cái quả báo xấu. Loạn lạc, tai ương, nghèo đói,… tất cả đều là quả báo hiện tiền từ cái nghiệp xấu ác do chính con người đã tạo ra trước đây. Ác nhân ác báo, nhân quả tương xứng. Một người có quả báo xấu là do họ tạo cái nhân xấu từ trước. Một xã hội loạn lạc là do cái cộng nghiệp xấu ác của con người trong vùng đó. Cả thế giới bất an là do cái cộng nghiệp xấu ác của chúng sanh trên quả địa cầu này. Như vậy, muốn cải tạo được hoàn cảnh phải cải tạo từ cái gốc, phải tu tập cái nhân lành, để có quả lành.

Thời mạt pháp vàng thau lẫn lộn, người theo pháp Phật cần phải có những nguyên tắc căn bản, rất vững vàng để được sáng suốt thẳng tiến đường tu. Người Phật tử chân chính phải một lòng y theo lời Phật tu hành thì đường thành Phật có ngay trong hiện đời. Phật dạy, thời mạt pháp chúng sanh phải niệm Phật thì ta phải nghe lời Phật mà ngày đêm niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Đó là người chân chính tu hành, là người con chân thật của Phật. Người không chịu nghe theo lời Phật, tự dựng nên những hình thái hoa mỹ để làm đẹp cho cách tu hành riêng của mình thì đó là quyền tự do của họ. Trong kinh Phật không khuyến khích chuyện này thì ta không thể sơ ý mà tự chọn con đường vô lượng kiếp trầm luân. Chư Cổ Đức từng khuyên: “Một lòng niệm Phật, dù có chư Phật xuống bảo không niệm Phật và dạy theo phương pháp khác cũng không dám nghe theo”. 

Trên đường tu hành cầu giải thoát thì lời Phật dạy là ngọn đuốc soi sáng tâm linh. Người học Phật cần sáng suốt, trí huệ, cần phải tiếp cận với quang minh của Phật để được minh tâm, nhờ minh tâm mà kiến tánh, kiến tánh để thành Phật. Đã gọi là “pháp môn vô hữu cao hạ”, thì lý đạo cao siêu đúng nghĩa nhất là sự ứng hợp căn tánh con người và lòng chí thành tu tập, nhờ đó mà được thành tựu đạo quả. Do đó, thành tựu hay không là nhờ vào sự chân thành tu tập theo lời Phật dạy, chứ không phải mong cho đạt lý cao siêu. Người thích cầu cho đạt lý thường thuộc dạng vọng tưởng nhiều hơn là thanh tịnh, chính vì vậy mà họ thường thất bại nhiều hơn người có tâm chân thành chí kính. Nên nhớ rằng, cái lý đạo chân chánh nhất nằm ngay trong tâm của chúng ta. 

Hãy tập làm người chí thành tin Phật, chí kính lễ Phật, tập làm người thật hiền lành, chất phác trong việc đối vật tiếp người thì đường tu tập sẽ tiến triển tốt đẹp và tâm hồn sẽ được thanh tịnh. Lý đạo cao siêu sẽ tự nhiên phát sinh ngay từ tâm thanh tịnh. 

Tài liệu tham khảo: 
Sách Khuyên người niệm Phật (Tập 3), NXB Tôn Giáo
trong Tin tức
Tâm chí thành chí kính – Một lòng chí kính, một đời thành tựu
Ban Lien Huu 6 tháng 7, 2022
Share this post
Tag
Lưu trữ
Nhìn thấy, lắng nghe chính mình – Con đường chuyển hóa nội tâm
Trong giáo pháp đức Phật dạy hãy quay về nhìn lại chính ta (phản quang tự kỷ), tức trở về để thấy hay còn có nghĩa là biết dừng lại. Từ đó, thấy rõ những ham muốn, ghét bỏ chính là phản ứng của các tập quán, thói quen xưa cũ đã tạo nên khổ đau cho ta.