Đạo lý của Vu lan là đạo lý vì con người, vì sự an lạc của tất cả chúng sinh
Ai trong chúng ta cũng phải có tổ tiên, chim phải có tổ, người phải có tông, uống nước phải nhớ nguồn. Giữ gìn cội nguồn, từ cội nguồn mới có mình. Cây phải có gốc, có gốc mới trổ cành, sinh ngọn, phải giữ gìn.
Nếu đối với cha, công ơn trời biển thuộc về phần nuôi nấng và giáo dục con cái thì đối với mẹ là cả bầu trời tình thương, mười tháng cưu mang, ba năm bú mớm cho đến lúc con cái được trưởng thành và hạnh phúc trong đời. Trong hành trình mang lại hạnh phúc cho con cái, đôi lúc cha mẹ đã hy sinh hạnh phúc của bản thân. Có nhiều bậc cha mẹ trong kế sinh nhai đầy lao khó đã phải bất đắc dĩ “Tính sao có lợi thì làm khác, chẳng màng tội lỗi bị giam bị cầm”.
Thật vậy, công ơn cha mẹ rất lớn đối với con cái. Vì thế, trong Phật Giáo nói riêng và nền văn hóa tâm linh dân tộc nói chung, sự báo hiếu công ơn cha mẹ là một trong những biểu tượng văn hóa tâm linh cao nhất được đề cao xuyên suốt trong dòng lịch sử và nó trở thành một ngày riêng biệt, một lễ hội đặc thù với danh xưng lễ hội Vu-lan. Vì lý do đó, Vu-lan không còn là của riêng Phật giáo mà nó trở thành ngày lễ hội văn hóa tâm linh không thể thiếu trong mọi người con hiếu đạo.
Trong Tăng chi bộ Kinh III, Đức Phật dạy: “Những gia đình nào, này các Tỳ-kheo, trong ấy, các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng với Phạm Thiên”. Ở đây, cha mẹ được Ngài ví như Phạm Thiên bởi vì cha mẹ giúp đỡ con cái rất nhiều trong việc yêu thương, dưỡng dục và đưa chúng ta vào đời.
Tấm lòng hiếu đạo của những người con Phật trong lễ Vu-lan là biểu hiện của niềm tin Phật pháp một cách tuyệt đối, cũng là biểu hiện của hạnh từ bi cứu khổ và tinh thần hướng thượng. Bởi vì, chỉ có hướng thượng, thành tâm nương về chánh pháp và được sự chú nguyện của đại chúng Tăng thanh tịnh thì mới có thể tháo gỡ nghiệp lực và hóa giải mọi khổ đau phiền trược. Do vậy, Vu-lan bồn (Ulambana) có nghĩa là tháo gỡ nghiệp lực, hóa giải nghiệp lực, giải thoát mọi khổ đau ràng buộc…
Tam tạng Thánh giáo của đạo Phật đề cập rất nhiều về tinh thần hiếu đạo. Đức Thế Tôn trong nhiều đời nhiều kiếp tu nhân hiếu đến kiếp này thành Phật. Ngay cả khi đã thành Phật rồi, Ngài vẫn thực hành hiếu đạo. Trong kinh điển, rất nhiều đoạn Ngài nói về chữ hiếu, nhắc nhở mọi người thực hiện chữ hiếu như một trong các pháp tu.
Điểm nổi bật và quan trọng nhất trong kinh Vu Lan và kinh Báo Ân Cha Mẹ là đạo hiếu như một phương pháp tu tập.
Trong kinh Vu Lan, duyên khởi của kinh như sau: Ngài Mục-kiền-liên vận dụng 6 phép thần thông tìm thấy mẹ bị tái sanh trong cảnh giới ngạ quỷ, đói khát, tiều tuỵ. Ngài liền lấy bát đựng cơm đem hiến dâng cho mẹ. Do vì lòng tham, bà mẹ lấy tay trái che lấy cái bát, tay phải vội vã bốc cơm. Nhưng cơm đã biến thành lửa nên không ăn được. Tôn giả sầu than trở về thưa Phật để cầu cách cứu mẹ Ngài.
Đức Phật dạy rằng, chỉ nhờ vào uy lực đạo đức tu tập của chư tăng trong ba tháng an cư mới có thể độ được mẹ Ngài Mục-kiền-liên. Ngài đã theo y lời Phật dạy thiết lập trai đàn, nhờ oai đức chuyển hoá nghiệp lực của chư tăng mà mẹ Ngài đã thoát khỏi cảnh ngạ quỷ, tái sanh về cõi trời. Nhân dịp đó, đức Phật đã khuyên tất cả những người con nên học theo gương hiếu hạnh của Ngài Mục-kiền-liên để báo đáp công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ hiện tại và cha mẹ bảy đời quá khứ.
Còn trong kinh Báo Ân, sự báo hiếu được khởi đi bằng sự kiện đức Phật đảnh lễ đống xương khô, trong đó có cửu huyền thất tổ của Ngài. Đức Phật giảng dạy.
Đạo đức của lòng hiếu thảo theo kinh này khởi đi bằng đời sống đạo đức của bản thân, thấy được song thân ân trọng, nỗ lực đền đáp bằng tất cả tấm lòng trong mọi tình huống, dù trong lúc khốn đốn khó khăn, vật đổi sao dời, lòng hiếu kính của con cháu đối với cha mẹ trước sau như một. Vì tình thương và tấm lòng của cha mẹ dành cho con gái là không bờ bến. Tất cả sự báo hiếu của con thảo cháu hiền chỉ đền đáp được phần nào đó trong muôn một. Những kẻ bất hiếu là tự gieo bất hạnh cho bản thân và khó có cơ hội sống trong hạnh phúc thật sự.
Giá trị giáo dục ngụ ý của hai kinh này rất cao: Thánh Nhân và Phật còn hiếu thảo với cha mẹ như vậy thì huống hồ là người phàm phu tục tử chúng ta không chịu sớm lo báo đáp. Điều đó còn nói lên rằng, đạo hiếu là nền tảng của đạo làm người và đạo thánh nhân. Thiếu hiếu thảo, tính cách đạo đức của con người đã bị phá vỡ và do đó không thể trở thành các bậc hiền thánh để đời ca tụng và học hỏi theo được.
Nếu kinh Vu-lan-bồn và kinh Báo Ân là thông điệp hiếu kính cha mẹ thì mùa Vu lan là mùa biểu tượng của đạo hiếu trong đạo Phật. Đó là mùa gợi chúng ta nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Mùa Vu lan do đó trở thành mùa báo hiếu. Lễ hội Vu lan là lễ hội của hiếu thảo, thương kính cha mẹ.
Đạo lý của Vu lan là đạo lý vì con người, vì sự an lạc của tất cả chúng sinh. Đạo lý ấy nghiễm nhiên chói sáng mãi như vị cứu tinh cho đời sống đạo đức, cho đạo lý hiếu thảo, cho tình người hôm nay và mai sau.
Tài liệu tham khảo: