Tâm từ bi là linh dược giải độc sân hận
Phần lớn những khổ đau của chúng ta là do chúng ta thiếu hiểu biết và không giác ngộ được rằng: không có một cái ngã biệt lập. Bạn vẫn còn đứng bên bờ này của khổ đau, sân hận. Thì tại sao bạn lại không vượt qua bên bờ kia, bờ của tâm không sân hận, của bình an và giải thoát? Có con thuyền có thể đưa bạn vượt qua bờ bên kia nhanh chóng. Đó là con thuyền của thực tập trở về với tự thân, nhờ vào hơi thở chánh niệm mà có thể nhìn sâu vào niềm đau nỗi khổ, vào sân hận, vào tuyệt vọng để có thể mỉm cười.

Chúng ta thường nói tới tâm thức như là một thửa đất. Tất cả các loại hạt giống (tâm hành) đều được chôn vùi trong mảnh đất đó gọi là tàng thức. Tâm từ bi cũng có sẵn trong tàng thức dưới hình thái hạt giống. Nếu hạt giống tích cực được tưới tẩm thì ta sẽ cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc. Còn nếu hạt giống tiêu cực được tưới tẩm và phát hiện thì ta sẽ khổ đau. Khi niềm vui hay nỗi khổ còn vùi lấp trong tàng thức thì chúng chính là những hạt giống, nhưng khi chúng phát hiện lên phần ý thức thì ta gọi chúng là tâm hành. 


Ai cũng có hạt giống của sân hận trong mình. Khi hạt giống đó chưa phát hiện thì chúng ta không cảm thấy giận, chúng ta mát mẻ, tươi vui, chúng ta cười nói tự nhiên. Nhưng điều đó không có nghĩa là trong ta không có sân hận. Sân hận chưa phát hiện, nhưng nó luôn ẩn chứa đâu đó trong tàng thức chúng ta. Khi có một ai đó chạm vào hạt giống sân hận, hay tưới tẩm bằng hành động, bằng lời nói thì sân hận sẽ phát hiện rất nhanh. Một hành giả thiền tập giỏi không phải là một người không còn giận hay không còn khổ đau. Chuyện này không thể có được. Một hành giả thiền tập giỏi là một người biết cách chăm sóc sân hận và đau khổ ngay khi chúng phát hiện. Người không thực tập sẽ không biết xử lý năng lượng sân hận khi nó phát hiện và dễ bị cơn giận tràn ngập. 

Nếu bạn thực tập nếp sống chánh niệm thì bạn không bao giờ để cho sân hận tràn ngập. Hạt giống chánh niệm sẽ giúp bạn chăm sóc cơn giận. Hơi thở chánh niệm và bước đi chánh niệm sẽ giúp bạn làm việc đó. Trong kinh A-di-đà, chánh niệm được thiết lập trong tâm của hành giả. Chánh niệm là làm thế nào cho thân và tâm có mặt cùng một chỗ. Sự có mặt của chánh niệm được kinh truyền thống gọi là “dán niệm trước mặt”, nghĩa là làm thế nào có được chánh niệm với những gì đang có mặt khi tiếp xúc quanh ta. Thiết lập chánh niệm là cách để cho tâm có mặt với sự hiện hữu, như chúng đang là. 

Khi chúng ta giận, chúng ta muốn bớt khổ. Nhưng làm thế nào để vơi bớt khổ đau? Hiểu biết là cách nhanh nhất. Khi hiểu biết có mặt, sân hận sẽ tự biến mất. Khi bạn hiểu rõ tình trạng của người kia, khi bạn hiểu rõ bản chất của khổ đau thì sân hận phải biến mất đi vì nó đã được chuyển hóa thành từ bi. 

Vì vậy khi giận một ai, bạn hãy thực tập hơi thở chánh niệm, hãy nhìn sâu để có thể thấy được bản chất khổ đau của bạn, của người kia và bạn sẽ được giải thoát. Phần lớn những khổ đau của chúng ta là do chúng ta thiếu hiểu biết và không giác ngộ được rằng: không có một cái ngã biệt lập. Người kia chính là bạn và bạn chính là người kia. Nếu đã nắm được chân lý đó thì không còn sân hận nữa. Để đối trị cơn giận, pháp môn nhìn sâu là thang thuốc hiệu dụng nhất. Nếu biết nhìn sâu, chúng ta có thể hiểu những khó khăn của người khác cũng như những ước vọng sâu kín mà họ chưa có cơ hội phát triển. Khi đó, từ bi sẽ phát sinh và từ bi là phương thuốc giải độc sân hận.

Giọt nước từ bi vô cùng linh nghiệm. Nếu quyết tâm thắp sáng tâm từ bi thì bạn sẽ được bảo vệ. Và nếu bạn để cho tâm từ bi bừng lên thì ngọn lửa sân hận sẽ dập tắt trong giây lát. Dầu cho người kia có nói gì đi chăng nữa thì bạn cũng không khởi tâm sân hận, bực dọc, bởi vì tâm từ bi là “linh dược” chống sân hận. Không gì có thể dập tắt cơn giận ngoài tâm từ bi. Bởi vì vậy, thực tập từ bi là một phép thực tập rất mầu nhiệm. 

(Nguồn: Sách Giận, Thiền sư Thích Nhất Hạnh, NXB Thanh Niên)


trong Tin tức
Tâm từ bi là linh dược giải độc sân hận
Ban Lien Huu 17 tháng 6, 2022
Share this post
Tag
Lưu trữ
Người có tâm – “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”
Chúng ta thường nghe nói, con người “quý ở chữ tâm”, “hơn nhau ở chữ tâm” hay “sống phải có tâm”. Cụ Nguyễn Du cũng nói trong Truyện Kiều rằng “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.