Hiếu đạo của Phật giáo liên hệ mật thiết với quan niệm báo ân. Phật giáo từ xưa đến nay nhấn mạnh, “báo ân” có thuyết “báo tứ ân”. Tứ ân tức là bốn ân đức: Ân cha mẹ, ân chúng sinh, ân quốc vương và ân Tam bảo. Kinh Bản sinh tâm địa quán cho rằng: Ân cha mẹ nuôi dưỡng con cái, rộng lớn không có bờ mé, cho rằng nếu quên ân và không hiếu thuận cha mẹ thì tương lai sẽ đoạ vào ba đường ác, địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh. Nếu hiếu thuận cha mẹ thì tương lai được chư thiên bảo hộ, phước lạc vô cùng, đề xướng con người phải hiếu thuận cha mẹ để cầu quả báo lành. Do tiếp thu sự ảnh hưởng quan niệm hiếu thân truyền thống Trung Quốc, báo ân cha mẹ được đặc biệt chú trọng và đứng đầu trong Tứ ân của Phật giáo.
Kinh Phật thuyết phụ mẫu ân trọng nan báo là bộ kinh chủ yếu có liên quan đến việc báo ân, trọn đạo hiếu của Trung Quốc. Bộ kinh này chủ yếu thông qua việc trình bày mười ân đức sâu nặng của cha mẹ đối với con cái, để thuyết minh việc báo đáp ân tình của cha mẹ không chỉ là bắt nguồn từ bản tính tự nhiên của con người, mà còn là người con, không luận là hiếu thuận như thế nào, đều không thể báo đáp được ân đức của cha mẹ. Đặc biệt là, khó có thể báo đáp ân đức to lớn của từ mẫu. Mười ân đức sâu nặng được nêu rõ trong kinh là: 1. Ân hoài thai giữ gìn – 2. Ân sinh sản chịu khổ - 3. Ân sinh con quên lo lắng – 4. Ân nuốt đắng nhổ ngọt – 5. Ân nằm chỗ ướt nhường chỗ khô – 6. Ân bú mớm dưỡng dục – 7. Ân giặt rửa đồ bất tịnh – 8. Ân đi xa nhớ nhung – 9. Ân cảm thông sâu sắc – 10. Ân thương xót cùng cực.
Làm cho cha mẹ được nghe pháp đắc giới, tu tập tam muội, thành tựu trí huệ vô thượng, sau cùng được giải thoát là cách báo đáp ân đức cha mẹ chân chánh nhất
Mười ân đức sâu nặng trình bày về ân nuôi dưỡng, bảo hộ của cha mẹ, càng chú trọng giải thích toàn diện thâm ân cao cả của mẹ. Nói về mười ân đức lớn lao ấy trong sự trưởng thành của người con, kinh này đã giải thích rất cặn kẽ rằng sự gian khổ của việc hoài thai giữ gìn, thể nghiệm sinh tử từ lúc lâm bồn, có thể nói bản chất tình thân “máu đậm hơn nước”. Và, nuốt đắng nhổ ngọt, nằm chỗ ướt nhường chỗ khô, bú mớm dưỡng dục, giặt rửa đồ bất tịnh thì từ khía cạnh khác nhau trong cuộc sống hằng ngày, không cùng góc độ để ca ngợi cha mẹ, đặc biệt là ân nặng tình sâu của cha mẹ. Ngoài ra, ân đi xa nhớ nhung, cảm thông sâu sắc và thương xót cùng cực, lại lần nữa, từ sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ dồn vào trong việc trưởng thành của con cái cũng đã ca ngợi ân dưỡng dục của cha mẹ.
Vì để cho thấy tâm ý hiếu thuận đối với song thân, kinh Vu lan bồn – kinh điển Phật giáo Ấn Độ đã mượn câu chuyện của Mục Kiền Liên cứu mẹ đề xướng cho việc thực hành báo ân. Mục Kiền Liên là đại đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni, vì cứu mẹ ra khỏi đường ngạ quỷ, vào ngày Rằm tháng Bảy (ngày Phật hoan hỷ), tu bố thí cúng dường, nhờ vào nghiệp lực của tăng chúng mười phương để cứu mẹ thoát khỏi biển khổ. Từ đó mà có nguồn gốc của lễ Vu lan bồn (tiết Trung nguyên Phổ độ của Trung Quốc).
Vu lan bồn kinh sớ khuyên người đời, nếu như một người xuất gia đắc đạo thì cha mẹ tại gia của anh ta nhờ đó mà được công đức và phước lợi rất lớn, gọi là “nhất nhân thành đạo, cứu tổ siêu thăng”. Nếu như một người xuất gia sau tu hành chứng được đạo quả thì cha mẹ đời này cho đến tổ tiên trong chín đời quá khứ đều nhờ đó mà vãng sanh về cõi lãnh, hưởng được sự an lạc vô biên.
Đạo Thế đời Đường, trong tác phẩm Pháp uyển châu lâm, lập riêng thiên Trung hiếu, thiên Bất hiếu, thiên Báo hiếu, dung hợp hiếu đạo của Nho giáo và Phật giáo, lấy nhân vật trong Nhị thập tứ hiếu của Nho giáo làm tài liệu luân lý để giảng thuyết về hiếu đạo của Nho giáo, tuyên dương người Trung hiếu sẽ được hưởng quả báo tốt đẹp, biểu đạt sự cảm thông và ca ngợi về hiếu đạo của thế tục. Đạo Thế cũng đặc biệt chỉ ra, sau khi xuất gia siêng năng lắng nghe, suy ngẫm, tu hành Phật pháp, sau cùng chứng đắc Phật quả giải thoát, mới có thể báo đáp ân đức của cha mẹ. Bởi vì, sau khi đắc Phật quả, tự mình giải thoát khỏi biển khổ luân hồi.
Nếu như một người xuất gia sau tu hành chứng được đạo quả thì cha mẹ đời này cho đến tổ tiên trong chín đời quá khứ đều nhờ đó mà vãng sanh về cõi lãnh, hưởng được sự an lạc vô biên
"Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng,
Con nuôi cha mẹ tính tháng kể ngày”
Đôi khi trong cuộc sống, chúng ta thường mải miết tìm kiếm những điều xa vời mà quên đi hạnh phúc giản dị bên cạnh, đó là gia đình. Để rồi khi giật mình nhìn lại thì đã thấy mái tóc của cha mẹ thêm nhiều sợi bạc, khuôn mặt có thêm vài nếp nhăn. Thời gian có thể cho bạn 30 năm, 40 năm, thậm chí là 50 năm, nhưng chỉ cho cha mẹ bạn 10 năm, 20 năm. Đó là lúc bạn cần học cách trân trọng từng khoảnh khắc bên gia đình và yêu thương họ bằng tất cả những gì bạn có.
Tư tưởng hiếu đạo của Phật giáo Trung Quốc cho rằng, dốc lòng hiếu thuận, tu giới là để cầu phước, phụng dưỡng cha mẹ, nếu tu phước thì không bằng thực hành hiếu, thực hành hiếu thì không bằng giữ giới. Kinh Vu lan bồn nói: “Là đệ tử Phật tu tập hiếu thuận thì trong từng niệm phải thường nghĩ nhớ cúng dường cha mẹ và cha mẹ trong bảy đời, thường phải dùng tâm hiếu từ nghĩ nhớ đến cha mẹ thân sinh và cha mẹ trong bảy đời, mở hội Vu lan bồn, cúng Phật cùng Tăng để báo đáp ân cha mẹ nuôi lớn tâm thương yêu”.
Thực hành hiếu để báo đáp ân là khái niệm cơ bản của tư tưởng hiếu đạo Phật giáo. Khái niệm báo ân và hiếu của Phật giáo có quan hệ mật thiết với nhau, không luận là kinh Phật thuyết hiếu tử hay kinh Phật thuyết phụ mẫu an nan báo, đều chú trọng nhấn mạnh ân dưỡng dục của cha mẹ. Những kinh điển Phật giáo trình bày rõ ràng sự gian khổ của cha mẹ khi nuôi dưỡng con cái, chỉ ra nếu con cái có thể làm cho cha mẹ được nghe pháp đắc giới, tu tập tam muội, thành tựu trí huệ vô thượng, sau cùng được giải thoát thì mới có thể báo đáp được ân dưỡng dục của cha mẹ. Đây mới là hiếu thuận cha mẹ, báo đáp ân đức cha mẹ một cách chân chánh nhất.
Tài liệu tham khảo:
Tư tưởng hiếu đạo trong Phật giáo, NXB Tổng hợp Hồ Chí Minh