Nhân ngày Vu Lan sắp đến gần, hãy cùng Ban Liên hữu Chùa Đại Tùng Lâm Hoa Sen tản mạn câu chuyện về “bông hồng cài áo” ngày Vu Lan bạn nhé!
Với nghi lễ bông hồng cài áo, Vu Lan đã trở thành nét văn hóa truyền thống có ý nghĩa nhân văn sâu sắc
Nguồn gốc nghi thức bông hồng cài áo trong lễ Vu Lan
Bông hồng cài áo trong lễ Vu Lan bắt nguồn từ ý tưởng và đề xuất của cố thiền sư Thích Nhất Hạnh vào những năm 1960 sau chuyến công tác trở về từ Nhật Bản.
Câu chuyện kể rằng, trong một chuyến công tác tại Nhật Bản, khi thấy người Nhật thành kính cài tặng lên ngực áo của cố thiền sư một bông hoa trắng trong ngày tưởng nhớ mẹ của phương Tây do cố thiền sư đã mất mẹ. Ngay sau đó, cố thiền sư đã tìm hiểu và biết được ý nghĩa cao đẹp của hành động này là để tưởng nhớ đấng sinh thành. Sau khi trở về Việt Nam, ông đã chọn bông hoa hồng làm biểu tượng cho lễ Vu Lan báo hiếu của nhà Phật và viết tùy bút “Bông Hồng Cài Áo” vào năm 1962.
“Ngày Vu Lan ta nghe giảng và đọc sách nói về ngài Mục Liên và về sự hiếu đễ. Công cha, nghĩa mẹ. Bổn phận làm con. Ta lạy Phật cầu cho mẹ sống lâu. Hoặc lạy mười phương Tăng chú nguyện cho mẹ được tiêu diêu nơi cực lạc, nếu mẹ đã mất. Con mà không có hiếu là con bỏ đi. Nhưng hiếu thì cũng do tình thương mà có; không có tình thương, hiếu chỉ là giả tạo, khó khăn, vụng về, cố gắng mệt nhọc. Mà có tình thương là có đủ hết rồi. Cần chi nói đến bổn phận. Thương mẹ, như vậy là đủ. Mà thương mẹ không phải là một bổn phận. Thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên. Như khát nước thì uống”.
Đó chính là một đoạn trích có trong tùy bút “Bông hồng cài áo” của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Đoạn văn trên chan chứa nỗi lòng của người con được viết lên với ngôn ngữ vô cùng giản dị mà thật ấm áp.
Bông hồng cài áo trở thành biểu tượng của mùa Vu Lan hiếu hạnh và nghi thức bông hồng cài áo cũng xuất phát từ câu chuyện của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Từ đó, cứ mỗi khi đến lễ Vu Lan, những người con sẽ lên chùa dâng hương, cầu bình an cho cha mẹ và đều không quên dừng lại để cài lên ngực áo một bông hoa hồng, như để nhắc nhớ về công ơn của cha mẹ.
Ý nghĩa sắc hoa cài áo trong mùa Vu Lan báo hiếu
Mỗi bông hoa mà những người con chúng ta cài lên ngực áo vào ngày lễ Vu Lan chính là cài vào tâm khảm sâu xa của trái tim hiếu thảo những "bông hồng tâm linh". Mỗi sắc hoa là một ý niệm riêng, mỗi sắc hoa chất chứa một nỗi lòng riêng của những người con, nhưng đều chung một chữ "hiếu", đó là tâm hiếu thuận trọn vẹn hướng về cha mẹ.
Có bốn sắc hoa hồng nói lên tâm trạng của những người con trong mùa Vu Lan báo hiếu. Những ai may mắn còn đủ mẹ, cha trên cõi đời này sẽ được cài lên ngực áo bông hoa hồng đỏ thắm, nhắc nhớ phải biết trân quý sự hiện diện và đồng hành của đấng sinh thành trong hành trình của mỗi người.
Mang đến cái buồn man mác là bông hoa màu hồng trên ngực áo. Sắc hồng này là nỗi buồn của những người con kém may mắn khi đã mất đi một trong hai người thân. Theo hành trình trưởng thành của mỗi người, sắc đỏ đã phai đi một phần, chỉ còn màu hồng nhạt dần theo năm tháng. Cài hoa màu hồng lên ngực áo vừa là lời nhắc nhở những đứa con tưởng nhớ về cha hoặc mẹ, đồng thời cũng nhắc nhở họ phải trân trọng, quan tâm và báo hiếu người thân hiện còn nhiều hơn.
Màu hoa trắng cài trên ngực áo lại mang một nỗi buồn thương của người con đã mất cả song thân, như nhắc nhớ về những thời khắc thiếu vắng bóng hình mẹ, cha. Bởi màu hoa hồng trắng tượng trưng cho sự tưởng nhớ và sự xa cách của âm dương. Màu trắng tuy tang thương nhưng thanh khiết cũng là lời động viên người con thảo hãy sống thật tốt dù đấng sinh thành vắng bóng, để cha mẹ đã qua đời có thể an tâm nơi Cực Lạc. Bởi mỗi người con chúng ta đều là một bản sao của cha mẹ, vì vậy hãy sống tiếp, sống thật hạnh phúc, phát huy những bài học, những hành trang mà cha mẹ đã để lại.
Mỗi bông hoa cài trên ngực áo trong mùa Vu Lan như thay lời muốn nói: Con có thể theo đuổi lý tưởng riêng nhưng cha mẹ luôn ở trong tim con
Riêng hoa hồng vàng là màu hoa cài áo của những người xuất gia, tu hành. Theo đạo Phật, màu vàng là màu của giải thoát như Vô thượng phước điền y, màu của Đất. Trên đất, chúng ta có thể dẫm, đạp, cày xới, khạc nhổ hay làm bất cứ gì…đất vẫn trơ trơ, vì đất là sức sống, là nhẫn nhục, cưu mang tất cả, chấp nhận tất cả. Vì coi tất cả chúng sinh là cha mẹ, là quyến thuộc, họ hàng và quan trọng nhất là quả vị của những vị Phật tương lai. Màu vàng còn là màu của tuệ giác, tượng trưng cho sự buông bỏ, xả ly, không chấp thủ và thành tựu giải thoát. Do đó, trong ngày Vu Lan thắng hội nhưng người tu sĩ cũng muốn mượn màu sắc của hoa màu vàng để nói lên tinh thần đúng nghĩa của mùa Vu Lan là sự giải thoát. Cài lên ngực áo bông hồng vàng như cài lên một sứ mệnh mà vạn loại hữu tình giao phó, đưa người thoát bến mê, tiến về bờ giác. Các tu sĩ mượn thân do cha mẹ sinh ra để tu hành “trên cầu giải thoát, dưới độ chúng sinh”. Sau khi đã cứu và phổ độ cho chúng sinh đạt đến sự giác ngộ, đó sẽ là sự báo hiếu tuyệt vời nhất dành cho cha mẹ sinh thành cả ở hiện tại và nhiều kiếp sống khác.
Trong ngày lễ Vu Lan, dù cài hoa màu gì thì cũng là tâm hướng về cha mẹ, mong cho cha mẹ những điều an lành, cũng như tỏ lòng biết ơn sâu sắc. Khi cha mẹ còn trên cõi trần, thì chúng ta phụng dưỡng, vấn an, lo cho từng miếng cơm, chén thuốc, chia sẻ buồn vui. Khi cha mẹ lìa trần, chúng ta vẫn giữ lòng biết ân, hiếu thảo ấy bằng cách hồi hướng những công đức đã tích lũy đến cha mẹ.
Tuy nhiên, màu sắc hoa hồng, trắng hay đỏ chỉ là sự quy ước. Chúng ta cần ý thức rõ ràng rằng, một khi cài hoa lên ngực áo với tâm hiếu thuận trọn vẹn hướng đến cha mẹ thì màu sắc của "bông hồng tâm linh" ấy sẽ cực kỳ rực rỡ, nhiệm màu.
Nghi thức lễ Vu Lan không nên tiếp cận theo góc độ chỉ là thuần túy tín ngưỡng tôn giáo, mà cần thắp lên ngọn đuốc trí tuệ của tình thương yêu. Đó là ý nghĩa đích thực của ngày Vu Lan, là nét đẹp nhân văn trong ứng xử của những người con đại hiếu, bởi sự hiếu thảo không thuộc về bất kỳ tôn giáo nào. Lễ Vu Lan thuộc về những điều tốt đẹp vốn có sẵn trong từng trái tim nhân ái của mỗi con người.
Có thể nói mỗi sắc hoa mang đến những ý nghĩa khác nhau nhưng điều quan trọng nhất trong lễ Vu Lan là những người con cùng nhau lên chùa, cùng nhau cầu chúc cho cha mẹ hiện tiền được mạnh khoẻ, bình an. Còn đối với những ai đã mất mẹ cha thì cùng nhau lên chùa để cầu siêu cho cha mẹ, hồi hướng công đức để cha mẹ được vãng sanh cảnh giới an lành.
Đăng ký tham dự Đại lễ Cầu siêu cho người thân đã khuất tại Chùa Đại Tùng Lâm Hoa Sen (Quốc lộ 20, thị trấn Đạ M'ri, Huyện Đạ Huoai, Tỉnh Lâm Đồng) từ ngày 24-25-26-27-28/8/2022 tại đây: https://forms.gle/Pu6SXVVnDRvnaq9y9
Thông tin và chương trình Đại lễ Quý Phật tử, nhân dân vui lòng xem chi tiết tại link: https://daitunglamhoasen.vn/blog/phim-ve-chua-dai-tung-lam-hoa-sen-6/dang-ky-tham-du-dai-le-cau-sieu-cho-nguoi-than-da-khuat-tai-chua-dai-tung-lam-hoa-sen-118
Thời hạn dành cho Quý Phật tử, nhân dân đăng ký đến hết ngày 15/8/2022.