Tùy tâm biến hiện
Khi nhắc đến chữ Tâm là nhắc đến trái tim, lòng dạ, lương tâm con người. Mọi hành động của con người đều xuất phát từ cái tâm, tâm thiện thì hành động đúng đạo lý, lẽ phải; tâm không lành thì sẽ sinh tà ý và làm nhiều điều xấu ác, tội lỗi.
Chữ Tâm thường được dùng để hướng suy nghĩ của con người đến cái thiện, tu thân, dưỡng tính, sống tích cực và làm nhiều điều tốt lành. Thông thường trong lòng chúng ta chứa đựng điều gì, sẽ chiêu cảm và nhìn thấy những thứ tương tự. Khi nội tâm bạn thật sự yên tĩnh, những hỗn tạp xấu ác của thế gian sẽ không phiền đến được. Cũng như người tin tưởng vào những điều tốt đẹp, cuộc sống sẽ luôn có những điều tươi mới.
Nương theo giáo pháp Phật Đà
Chữ Tâm Phật dạy giúp ta ngộ đời
Đến bờ giác ngộ thảnh thơi
Xa rời phiền não cuộc đời an vui
Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đức Phật dạy như sau: “Tùy tâm biến hiện”, nghĩa là mọi sự việc trên thế gian này dù như thế nào, tốt hay xấu, lành hay dữ, đúng hay sai, phải hay trái, được hay không, đều do vọng tâm của chúng ta biến hiện cả. Đức Phật cung có dạy: “Căn bản của sanh tử luân hồi là: Vọng tâm. Căn bản của Bồ-đề Niết-bàn là: Chân tâm”. Chúng sanh sở dĩ bị trầm luân sanh tử, bởi vì mỗi ngày luôn luôn sống với vọng tâm, tức là cái tâm không đứng yên, luôn luôn thay đổi, khi vui khi buồn, khi thương khi ghét, khi khen khi chê, khi tán thán khi phê phán.
Bản tâm thanh tịnh hay chân tâm thường hằng, vĩnh viễn, luôn luôn hiện hữu mà người nào cũng có thì không sinh không diệt. Chỉ có Vọng tâm: tham lam, sân hận si mê, mới có sanh và diệt mà thôi. Bởi Tâm lệch lạc thì cuộc sống điên đảo đảo điên. Tâm gian dối thì cuộc sống bất an. Tâm ghen ghét thì cuộc sống hận thù. Tâm đố kỵ thì cuộc sống mất vui. Tâm tham tham thì cuộc sống dối trá.
Điều phục thân tâm, rèn định tâm
Với Phật giáo, tâm là chuyển nghiệp, là sửa mình để thay đổi số phận theo chiều hướng tích cực, nhằm đạt tới cứu cánh là giải thoát. Tâm là một thế giới cần khám phá hơn bất cứ điều gì khác, nhưng bằng trực quan chúng ta không thấy, không biết và không hiểu được cái tâm, mà phải suy luận thông qua những hiệu ứng mà nó đem lại.
Cũng giống như việc, con người có thể biết mọi sự việc bên ngoài một cách rõ ràng rành mạch, nhưng chuyện bên trong tâm trí của chính mình thì lại không biết. Một số người cho rằng, thân là thật và quan trọng hơn hết. Ngược lại, Phật cho rằng tâm ý là quan trọng, bởi vì ý suy nghĩ rồi miệng mới nói năng, rồi thân mới hành động. Cho nên, Đức Phật nói tâm làm chủ, tâm tạo tất cả.
Mặc dù có nhiều cách thức điều phục tâm, nhưng thực tế, tâm chỉ có thể thực sự được rèn luyện bởi chính nó, chứ không phải nhờ bất kỳ yếu tố bên ngoài nào khác. Đôi khi, chúng ta cố gắng hiểu được tâm mình, đôi khi chúng ta muốn đè nén tâm. Đây không phải là những biện pháp tích cực, thiện xảo để chuyển hóa tâm. Hầu hết các kỹ năng rèn luyện tâm đều không thực sự thành công vì tâm phức tạp như chính chúng ta vậy. Nếu bối rối, tán loạn, tâm sẽ dẫn dắt ta trôi lăn trong cõi luân hồi. Nếu định tĩnh, an lạc, tâm có thể đưa ta tới Niết Bàn giải thoát. Vì thế, tâm chúng ta có đủ công dụng thiện và công dụng bất thiện. Đó là lí do tại sao Đức Phật dạy rằng tâm cần phải được điều phục.
Điều phục tâm là cốt tủy tu tập theo giáo pháp Đức Phật. Tâm phải được huấn luyện như luyện ngựa, luyện voi cho đến khi thuần thục. Bởi Ngài dạy rằng tâm chúng ta rất hoang dại, vì chúng ta không thể kiểm soát được nó. Các hoạt động dù tốt hay xấu đều là sự phóng chiếu của tâm.
Trên thế gian này, kết quả nào cũng có nguyên nhân của nó. Người có vận mệnh tốt nhất định đã từng gieo trồng nhiều thiện duyên, người hay gặp xui xẻo hẳn là đang thiếu ít nhiều âm đức. Ông bà mình thường nói: “Tướng từ tâm sanh, cảnh từ tâm khởi”. Cho nên chúng ta đều có thể cải biến vận mệnh của mình, bắt đầu từ việc thay đổi tâm thái.
Người có tâm thái không tốt là do tính cách có phần tham lam, luôn muốn hưởng được thật nhiều lợi lộc. Nhưng họ đâu biết, việc hưởng thụ quá đà chỉ khiến phước báu bản thân mỗi ngày một hao mòn, về sau dễ gặp tai họa. Vì thế muốn thay đổi vận mệnh, nên bắt đầu từ việc thay đổi tâm tham. Nên nhớ, chỉ có bản thân mới đủ năng lực thay đổi vận mệnh của chính mình!
Người có tâm thái không tốt thường ưa chuộng hư vinh, có sở thích so bì với kẻ khác. Họ quên rằng mọi sự vật trong thế gian không ngừng biến chuyển, vĩnh viễn không thể tồn tại cái gọi là tốt nhất, chỉ có phù hợp với bản thân hay không mà thôi. Vậy nên thành công lớn nhất của một người là vượt lên chính mình, hôm nay tốt hơn hôm qua là đang tiến bộ, không cần so sánh với bất kỳ ai.
Người có tâm thái không tốt thường không có lòng biết ơn, không bao giờ biết đủ, dù cuộc sống đã cho họ rất nhiều. Tự giam cầm trong giới hạn mình đặt ra, sao có thể nếm được hương vị thanh thản, giải thoát? Nên học cách buông bớt, xem nhẹ mọi chuyện thì cuộc sống mới vui vẻ, nhẹ nhàng.
Người có tâm thái không tốt thường hay than vãn đố kị. Điều này chẳng những không thể giải quyết được vấn đề, còn khiến bản thân thêm tiêu cực; Chẳng những không giúp họ trở nên tốt đẹp hơn, mà còn biến mình thành kẻ hẹp hòi. Suốt ngày than vãn vô ích, chi bằng tự hành động để thay đổi thế giới của mình. Khi bản thân trở nên tích cực, những thứ tốt đẹp khác sẽ tự tìm về.
Người có ánh nhìn ra sao, tâm thái ở trạng thái nào, sẽ kiến tạo nên thế giới và cuộc đời tương tự. Trong lòng nuôi dưỡng tâm niệm thiện lành sẽ thích giúp đỡ người khác, hành động nhẹ nhàng, vui vẻ đi qua ngày tháng.
Đời một người, hiện tại chịu được bao nhiêu vất vả, tương lai sẽ có bấy nhiêu thành quả. Người càng cố gắng sẽ càng may mắn. Đừng sợ thiệt thòi, vì cuộc đời luôn công bằng với tất cả, mọi sự cho đi đều sẽ có hồi đáp tương xứng.