Tiết độ là “chìa khóa” của an lạc
Trong “bảy pháp tất được hoan hỷ an lạc trong pháp Hiền thánh, thẳng tiến đến lậu tận”, sau khi tu tập biết pháp, biết nghĩa và biết thời, vị Tỳ-kheo tiếp tục thực hành các pháp tiếp theo là biết tiết độ, biết mình và biết hội chúng. Tiết độ trong Phật giáo được xem là cứu cánh, để ta có được cái nhìn chính kiến, sống ung dung tự tại, không bị phiền não và cám dỗ bởi danh lợi vật chất.

Tiết độ có thể hiểu là một việc làm dung hòa, có chừng mực, biết tiết chế, tránh thái quá hoặc bất cập. Nói một cách khác, tiết độ là mức độ điều hoà, quân bình nơi tư cách của con người; những gì thái quá, quá đà là phản lại với sự tiết độ. Như vậy, những lối sống ích kỷ, chỉ biết đến mình, sống buông thả, ăn chơi sa đoạ được xem như là trái với tiết độ. Nếu không biết điều chỉnh cách sống phù hợp với tiết độ, con người có thể gánh chịu những khổ đau khôn lường. 


Phật dạy: “Đừng nên mong cầu dục lạc, là nghiệp vô cùng hèn hạ, là hành vi của phàm phu. Cũng đừng mong cầu tự thân khổ hạnh, rất khổ, không tương ưng với cứu cánh”.

Theo lời dạy của Đức Phật, nhân loại hiện sống trong hồi hộp lo âu, trong hãi hùng kinh sợ, cho đến cảnh máu sông biển lệ đều bởi mọi người không biết giữ “ngũ giới” mà ra. Ngày nào nhân loại thức tỉnh, biết áp dụng “ngũ giới” vào đời sống thực tế, ngày ấy thế gian đau khổ này sẽ trở thành thiên đường hiện tại. Người đã phát tâm quy y Tam Bảo là đã bước chân lên nấc thang giải thoát, nhưng nếu không giữ năm giới là chỉ mới bước một nấc đầu rồi dừng lại, không thể tiến đến giải thoát thật sự. Vì thế, sau khi quy y mỗi người cần phát nguyện giữ giới để mạnh tiến trên đường giải thoát. Thế nên mới nói “Tiết độ là chìa khoá của an lạc”. Điều này đã được Đức Phật dạy trong Kinh Thiện Pháp. 
Qua bài kinh, Đức Phật đã dạy cho hàng đệ tử của Ngài về bảy pháp dẫn đến hoan hỷ an lạc, đem lại lợi ích cho mình và cho người, trong đó tiết độ là một trong bảy pháp. “Nếu có Tỳ-kheo thành tựu bảy pháp tất được hoan hỷ an lạc trong pháp Hiền thánh, thẳng tiến đến lậu tận. Bảy pháp đó là gì? Đó là biết pháp, biết nghĩa, biết thời, biết tiết độ, biết mình, biết chúng hội và biết sự hơn kém của người”.
 
Thế nào là Tỳ-kheo biết “tiết độ”? Đó là Tỳ-kheo biết tiết độ trong việc ăn, uống, đi, đứng, ngồi, nằm, nói năng, im lặng, giảm bớt ngủ nghỉ, tu tập chánh trí. Ấy là Tỳ-kheo biết tiết độ. Đức Phật dạy chúng ta phải biết tinh tấn tu tập. Để hóa giải được khổ đau và thành tựu an lạc trong cuộc sống, Phật dạy con người phải biết tập sống “tiết độ” trong mọi hành động thường ngày, quan trọng hơn là phải biết nâng cao tuệ giác, tu tập chánh trí. Để làm được như thế, con người phải biết làm chủ mình trong cuộc sống thông qua tinh thần kỷ luật, mà trong Phật học gọi là Giới. Đó là “những điều răn cấm do Đức Phật chế định cho hàng xuất gia và tại gia để ngăn ngừa tội lỗi của ba nghiệp”. 

Giới còn có thể được hiểu là những điều không nên làm, là sự giữ gìn của mỗi người khi căn tiếp xúc với trần mà Đức Phật đã chế định cho đệ tử để ngăn ngừa tội lỗi của ba nghiệp về thân, khẩu và ý. Đặc biệt là 10 giới căn bản chung cho cả tại gia và xuất gia, liên hệ với ba nghiệp thân, khẩu, ý và nghiêng về các thiện lành: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không nói hai lưỡi, không nói đâm thọc, không nói thô ác, không tham, không sân, không si. Có thể nói, giới là một trong ba yếu tố căn bản không thể thiếu trong tiến trình tu tập để thành tựu đạo quả giải thoát Niết-bàn; Giới có thể hạn chế những chướng ngại cho đời sống thanh tịnh và sự tu tập. 

Tiết độ trong Phật giáo được xem là cứu cánh, để ta có được cái nhìn chính kiến, sống ung dung tự tại, không bị phiền não và cám dỗ bởi danh lợi vật chất.

Tầm quan trọng của việc giữ giới được Đức Phật nhắc lại cho toàn thể các Tỳ-kheo khi Ngài trú ở nước Xá-vệ, ở Kinh Giới thuộc Trung A-hàm và Tôn giả Xá-lợi-phất đã ví việc giữ giới giống như nuôi rễ cây. Nếu rễ cây không đủ mạnh thì cây không thể phát triển tốt được. Và đối với người tu, nếu không biết giữ gìn giới hạnh cũng không thể giải thoát, không thể chứng đắc Niết-bàn.

Giới trong Phật giáo có thể là tính kỷ luật mà mỗi người phải tuân thủ, luyện tập thành thói quen, thành nếp sống hàng ngày từ cách phân bổ thời gian cho đến cách chi tiêu sinh hoạt. Thói quen, nếp sống đã ăn sâu bám rễ trong cuộc sống của mỗi con người nên muốn thay đổi, nhất định phải có ý chí. “Vạn sự khởi đầu nan”, nên chỉ cần vượt được những trở ngại ban đầu để thói quen, nếp sống “tiết độ” được hình thành thì con người sẽ bước vào một thay đổi mới, mang lại an lạc cho mình và cho người. 

Đức Phật không bắt buộc chúng ta phải giữ giới, nhưng để cho tâm từ bi tăng trưởng, cho tội lỗi tiêu trừ, mỗi chúng ta phải tự phát nguyện giữ gìn. Bởi vì giáo lý của Phật là những phương thuốc cứu khổ chúng sinh, chúng sinh muốn thoát khổ phải y theo đó tu hành và tuân theo lời răn cấm của Ngài. 

Tóm lại, lối sống tiết độ qua lời dạy của Đức Phật là một lối sống có Chánh kiến, giúp con người tránh xa những khổ đau do những cám dỗ của vật chất mang lại. Mặt khác, tiết độ giúp con người biết sống có đạo đức, tuân thủ khuôn phép để xây dựng một cuộc sống an vui, hạnh phúc, thảnh thơi.

“Tiết độ” không những là việc làm cần thiết để có cuộc sống an lành mà còn là một kinh nghiệm của sự trưởng thành, biết biến chuyển những thói quen, lối sống tiêu cực thành tích cực. Người tiết độ là người biết chừng mực, biết dung hòa và luôn giữ cho tâm bình tĩnh. Người như vậy một mặt sẽ sống thoải mái, bình an; một mặt có khả năng làm được những việc mang tính thử thách cao, mang lại lợi ích cho mình và cho tha nhân. Trên tất cả đó là người biết làm chủ bản thân mình, thắng bản thân mình. Đó là một lợi ích lớn lao như Đức Phật nói “Thắng được vạn quân không bằng thắng chính mình”. 


Tài liệu tham khảo: 

Kinh Trung A Hàm, kinh Thiện Pháp, NXB Tôn Giáo, Tuệ Sỹ (dịch)

Tam quy ngũ giới, Thích Thanh Từ (2010), NXB Tôn Giáo.

trong Tin tức
Tiết độ là “chìa khóa” của an lạc
Ban Lien Huu 12 tháng 7, 2022
Share this post
Tag
Lưu trữ
Hối lỗi phải từ nơi tâm
Ngoại trừ các bậc Thánh phiền não lậu hoặc đã đoạn tận, còn người phàm thì ai cũng có lỗi lầm. Người ta chỉ khác nhau ở chỗ lầm lỗi ấy nhiều hay ít, cách khắc phục thế nào, nhanh hay chậm, có triệt để hay không. Thành ra sự hối lỗi luôn là hành trang cho những ai hướng về đường lành, văn minh và thánh thiện.