“Tiết Trung nguyên” là một danh từ được rất nhiều sử sách nước ta thường gọi chỉ cho Đại lễ Vu Lan Rằm tháng Bảy. Vậy vì sao Đại lễ Vu Lan được gọi là tiết Trung nguyên? Hãy cùng Ban Liên hữu Đại Tùng Lâm Hoa Sen tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Đại Việt Sử ký Toàn thư, Kỷ nhà Lý, chép Đại sự kiện vào năm Mậu Tuất (Hội Tường Đại Khánh năm thứ 9) như sau: “Mùa thu tháng Bảy, bãi cỗ bàn Tết Trung nguyên vì gặp ngay lễ Vu-lan-bồn [cầu siêu cho] Linh Nhân Hoàng Thái hậu”. Châu Bản Triều Nguyễn cũng có đoạn chép: “Năm Minh Mạng thứ XVIII, Đinh Mùi (1837), lại thiết trai đàn tụng kinh 21 ngày đêm, cũng vào tiết Trung Nguyên, tức Vu Lan rằm tháng 7”.
Tiết Trung nguyên là danh từ của Đạo giáo dùng để gọi Lễ hội Rằm tháng Bảy, đây là “Lễ tiết” theo quan niệm truyền thống của Đạo giáo. Đạo giáo cho rằng trong một năm có ba tiết gọi là “Tam nguyên” là ngày giáng trần của “Tam quan”. Trong kinh Thái thượng Tam quan của Đạo giáo có chép: “Thiên quan tứ phước, Địa quan xá tội, Thủy quan giải ách… tất cả chúng sanh đều dưới sự cai quản thống nhiếp của Thiên, Địa, Thủy quan…” Trong tín ngưỡng dân gian gọi tháng Bảy là “Tết của Quỷ” hay là “Tháng cô hồn”.
Vu Lan theo quan điểm của Đạo giáo là Tiết Trung nguyên - Ngày xá tội vong nhân, ngày phổ độ chúng sanh của Địa Tạng vương Bồ-tát
Hai chữ Vu Lan trong Vu-lan-bồn nguyên nghĩa là “Giải đảo huyền”, tức là giải cứu nỗi khổ bị treo ngược. Phương pháp “Giải đảo huyền” trong Đại lễ Vu Lan là đàn Du-già Diệm Khẩu Chẩn tế Cô hồn, căn cứ vào kinh Cứu bạt Diệm Khẩu ngạ quỷ Đà-la-ni và Cam-lộ Đà-la-ni chú. Hai bộ kinh này đều do Đức Phật vì từ bi thương xót loài ngạ quỷ khổ, nên nói pháp phương tiện để cứu tất cả các loài quỷ đói thoát khỏi những nổi thống khổ bị đảo ngược. Khi Ngài Bất Không Tam Tạng đến Trường An, kinh đô nhà Đường, ở chùa Đại Hưng Thiện dịch bộ Du-già Tập yếu Diệm khẩu Thí thực cứu A-nan Đà-la-ni Nghi quỹ kinh lập thành nghi quỹ và thứ lớp hành trì pháp thí thực, thành khoa Phóng Diệm Khẩu tức là nghi thức Chẩn tế Cô hồn của Phật giáo.
Khác với quan niệm của Đạo giáo chỉ cúng tế và thế chấp đồ vàng mã, để tránh sự phá rối và báo thù của các loài ngạ quỷ, Đại lễ Vu Lan rằm tháng Bảy của Phật giáo chủ trương là “Mùa Báo hiếu”, khuyên dạy mọi người nên học hạnh hiếu thảo với cha mẹ, làm việc thiện tích góp công đức, trai tăng cúng dường, hồi hướng cho cha mẹ hiện đời và nhiều kiếp về trước được siêu sanh về Tịnh độ, và lập đàn chẩn tế cầu siêu bạt độ cho những âm hồn, quỷ đói, thọ dụng cam lộ pháp thực và cầu nguyện cho họ xả bỏ các oán hờn phiền não, vãng sanh về cõi Phật.
Tiết Vu Lan theo quan điểm của Phật giáo là "Mùa hiếu hạnh" - Mùa của những người con lang thang trong kiếp sống mênh mông được trở về đối diện với lòng mình, dành trọn tâm hiếu đạo đối với đấng sinh thành.
Tín ngưỡng Phật giáo và dân gian tin rằng nếu niệm danh hiệu Bồ-tát Địa Tạng, hoặc cúng dường trai tăng Vu-lan-bồn trong tiết Trung nguyên và nhân ngày 30 tháng 7, ngày Khánh đản của Ngài, thì những hương linh quá cố của họ sẽ được miễn xá các tội lỗi và được Ngài độ thoát. Tiết Trung nguyên, ngày mồng 1 tháng Bảy mở cửa địa ngục để cho cô hồn ngạ quỷ lên thế gian, thọ hưởng cúng tế, đến ngày 30 tháng Bảy thì đóng cửa địa ngục, nên các loài ngạ quỷ cô hồn trở về địa phủ. Đây là theo quan niệm của Đạo giáo, sau khi Đại lễ Vu-lan-bồn của Phật giáo cùng tiết Trung nguyên kết hợp lại trên tinh thần Tam giáo Đồng nguyên thì ý niệm Đạo tràng Phổ độ chúng sanh do ngài Địa Tạng Bồ-tát làm giáo chủ được ra đời.
Ngày 30 tháng Bảy đóng cửa địa ngục của Đạo giáo trở thành ngày phổ độ chúng sanh của Địa Tạng vương Bồ-tát, thay vì phải trở về địa phủ chịu khổ, thì tất cả các vong hồn ngạ quỷ được Đức Địa Tạng cứu độ vãng sanh về Tịnh độ, không còn phải sa vào cảnh khổ địa ngục, vì vậy tiết Trung nguyên được gọi là Trung nguyên Phổ độ, tháng Bảy trong dân gian có câu truyền tụng “Tháng Bảy ngày rằm xá tội vong nhân”. Lập đàn Chẩn tế “Phóng Diệm Khẩu” bạt độ hết thảy các loài cô hồn ngạ quỷ thoát khổ địa ngục, vãng sanh Tây Thiên, và chính những người phát tâm lập đàn cúng tế, bản thân họ sau khi chết nếu sa vào địa ngục sẽ được Ngài cứu độ, cho nên tiết Trung nguyên được gọi là Trung nguyên Phổ độ, với ý nguyện bình đẳng độ thoát hết thảy muôn loài, và trong dân gian gọi là ngày “xá tội vong nhân” đều có nguồn gốc từ đây.
Sắp tới đây, nhân ngày Vía Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Huyện Đạ Huoai, Tỉnh Lâm Đồng sẽ tổ chức Đại lễ Vía Địa Tạng Vương Bồ Tát, Đại lễ Cầu siêu cho người thân đã khuất và tưởng nhớ các nạn nhân mất trong đại dịch Covid-19, phát nguyện hồi hướng cho các hương linh sớm siêu sinh về cõi Tịnh độ. Pháp hội sẽ diễn ra tại Chùa Đại Tùng Lâm Hoa Sen (Quốc lộ 20, thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng).
Chi tiết chương trình và thông tin đăng ký Quý Phật tử, nhân dân vui lòng xem tại đây: https://daitunglamhoasen.vn/blog/phim-ve-chua-dai-tung-lam-hoa-sen-6/dang-ky-tham-du-dai-le-cau-sieu-cho-nguoi-than-da-khuat-tai-chua-dai-tung-lam-hoa-sen-118