Tu hành trong Tịnh Độ, đắc Vô Sanh Nhẫn, hoàn thành chuyện lợi tha là đạo dễ hành
Trong kinh Pháp Hoa, Phật dạy: Mục đích của sự tu, đi tận đường là giải thoát rốt ráo, là chánh niệm tỉnh thức, tức Tri Kiến Phật. Không phân biệt căn cơ, con đường Nhất Thừa (còn gọi là Phật Thừa).
Tịnh Ðộ là tha lực pháp môn, sáu chữ hồng danh Di Ðà và Nhất Thừa nguyện hải đều là Tha Lực. Nương vào Phật nguyện hồi hướng vãng sanh chính là vô thượng hồi hướng. Vì vậy, sanh được một niệm tịnh tín, đem tất cả thiện căn chí thành hồi hướng thì “tùy nguyện giai sanh” như sách Hội Sớ đã khai thị: “Chỉ cốt tin được trong một niệm, chẳng nệ niệm nhiều hay ít”. Sách Yếu Giải cũng bảo: “Nếu tín nguyện kiên cố thì dẫu khi lâm chung mười niệm hay một niệm cũng quyết định được vãng sanh. Nếu không tín nguyện thì dù có trì danh đến mức gió chẳng thổi lọt, mưa chẳng ướt nổi, khác nào tường đồng vách sắt thì cũng chẳng thể vãng sanh nổi!”
Kinh Đại Tập nói rằng: “Thời đại mạt pháp hàng trăm triệu người tu hành, ít có một người đắc đạo. Không nương tựa vào sức đại từ, đại nguyện của Đức Phật A Di Đà mà có thể đời này thành tựu sự giải thoát sanh tử, trong ức ức vạn người khó có một. Chỉ nương pháp niệm Phật sẽ qua được biển sinh tử”.
Phàm phu sống trong thời Mạt pháp, trôi lăn trong biển sanh tử luân hồi, trong cõi ngũ trược ác thế, chẳng có Vô Sanh Nhẫn Lực, tâm bị chuyển theo cảnh, bị thanh sắc trói buộc, nương theo ác nghiệp mà tự đọa vào “tam đồ nhất phục ngũ thiên kiếp” (rơi vào tam đồ năm ngàn kiếp) thì làm sao có thể đắc thánh đạo?
Từ vô thỉ kiếp tới nay, chúng sanh đã tạo nhiều nghiệp lực sâu nặng, tội nghiệp, đời này có thể gặp Phật pháp, nhưng đời sau rất khó gặp lại, giống như trong tối tăm chỉ có tia chớp lóe sáng trong sát-na, đôi khi thiện căn phát hiện; sau đó, lại hãm trong các thứ tập khí xấu hèn! Trong thức điền của chúng ta có chủng tử ngộ thánh đạo, mà cũng có chủng tử lệch khỏi thánh đạo, tỷ lệ của loại tập khí sau hết sức to lớn. Do vậy, dẫu chuyển sanh sang kiếp khác, làm thân người, vẫn dễ dàng bị mê mất.
“Như thị luân hồi, chí ư kim nhật, nhân nhân giai như thị” (Luân hồi như thế, cho đến ngày nay, ai nấy đều là như vậy). Người tu hành trong đời này, một niệm sai lầm, chọn sai đường, từ vô lượng kiếp này lại sang vô lượng kiếp khác. Do tâm chưa thoái chuyển, nên còn ở trong uế độ, chẳng tìm ra con đường cầu sanh Tịnh độ. Do vậy, phải dùng trí huệ để điều khiển từ bi, tín tâm cũng phải dùng trí huệ để nhiếp trì. Nếu chẳng có trí huệ, sẽ có trạng huống “từ bi nẩy sanh họa hại”.
Công đức chẳng thể nghĩ bàn của nhất niệm tịnh tín
Lại trong Tịnh độ thập nghị luận luận bàn: Phàm phu vô lực, duy đắc chuyên niệm A Di Đà Phật, sử thành tam-muội. Dĩ nghiệp thành cố, lâm chung liễm niệm đắc sanh, quyết định bất nghi. Kiến Di Đà Phật, chứng Vô Sanh Nhẫn dĩ, hoàn lai tam giới, thừa Vô Sanh Nhẫn thuyền, cứu khổ chúng sanh, quảng thí Phật sự, nhậm ý tự tại. (Phàm phu không có sức, chỉ nên chuyên niệm A Di Đà Phật khiến cho thành tam-muội. Do nghiệp đã thành, lâm chung thâu liễm ý niệm, được sanh về cõi ấy, chắc chắn chẳng nghi. Thấy A Di Đà Phật, đã chứng Vô Sanh Nhẫn, trở lại tam giới, ngồi thuyền Vô Sanh Nhẫn cứu khổ chúng sanh, thực hiện rộng rãi các Phật sự, tùy ý tự tại).
Danh hiệu Phật chính là ba đời mười phương chư Phật, vì A Di Đà tức là pháp giới tạng thân, có lực dụng thu nhiếp và hiện pháp thân của ba đời mười phương chư Phật.
Mỗi vị Sơ Phát Tâm Bồ Tát kiến lập bi nguyện, sau khi đã thông hiểu đường lối, đều phải đến Tịnh Độ thân cận Phật, vì phải tụ tập hết sức nhiều nhân duyên thì mới có thể nhanh chóng thành tựu Vô Sanh Nhẫn Lực hòng thực hiện bi nguyện. Nhân duyên chẳng tụ tập, sẽ hết sức khó khăn. Dẫu có tâm nguyện, nhưng do sức phiền não của bản thân, sức nhân duyên bên ngoài, cùng với các loại nghiệp lực rắc rối, phức tạp lôi kéo, ngăn trở, sẽ trì hoãn tiến trình, khiến cho vô số kiếp đều chẳng thể thực hiện. Nhưng đi theo con đường vãng sanh Tịnh Độ này, do có Phật lực nhiếp trì, các phương diện đều chuẩn bị tốt đẹp cho quý vị, sẽ tột cùng thuận tiện. Vì thế, sau khi sanh về Tịnh Độ, nhân duyên để hoàn thành Vô Sanh Nhẫn Lực hết sức có ưu thế, hết sức thù thắng.
Nói chung, chẳng có tí nào thoái chuyển, toàn là nhân duyên tăng tấn, trong khoảng sát-na có thể tích tập vô số tư lương, nghe pháp gì cũng đều có thể khai phát vô số thiện căn Bồ Đề. Cũng giống như thế, đối với duyên cớ hòng có thể nhanh chóng thành tựu viên mãn Vô Sanh Nhẫn Lực, ắt cần phải noi theo đại duyên khởi này!
Kinh A Di Ðà Cổ Âm Thanh Vương Ðà Ra Ni dạy: “An Lạc thế giới, sở hữu Phật pháp bất khả tư nghị, thần thông hiện hóa, chủng chủng phương tiện, bất khả tư nghị. Nhược năng hữu tín như thị chi sự, đương tri thị nhân bất khả tư nghị, sở đắc nghiệp báo diệc bất khả tư nghị” (Trong thế giới An Lạc, tất cả Phật pháp chẳng thể nghĩ bàn, thần thông biến hóa, các thứ phương tiện chẳng thể nghĩ bàn. Nếu ai tin được những việc như vậy thì nên biết là người ấy là chẳng thể nghĩ bàn, đạt được nghiệp báo cũng chẳng thể nghĩ bàn).
“Thanh tịnh tâm” chính là lòng tin chẳng nghi, còn có nghĩa là lòng tin trong sạch chẳng cấu nhiễm. Ðể vãng sanh Tịnh Ðộ phải có lòng tin. Ngàn người tin, ngàn người sanh, vạn người tin, vạn người sanh. Tin vào danh hiệu Phật thì chư Phật liền cứu, chư Phật liền hộ trì. Tâm luôn nhớ Phật, miệng thường niệm Phật, thân luôn kính Phật thì mới gọi là thâm tín. Dù phát tâm sớm hay muộn cũng chẳng hề trụ vào pháp nào của cõi Diêm Phù Ðề nữa. Cách thúc đẩy, phát khởi này là thiết yếu nhất”. (Kinh Vô Lượng Thọ, phẩm Thập Phương Phật Tán)
“Nhất niệm tịnh tín” và “chí tâm nguyện sanh” đều là công đức tùy lòng nguyện mà được vãng sanh chẳng thể nghĩ bàn. Vô Lượng Thọ Kinh Khởi Tín Luận nói rằng“nhất niệm” có cùng ý nghĩa với “chí tâm hồi hướng”. Một niệm chí tâm hồi hướng liền được vãng sanh. Hành giả nếu có thể một niệm chân thành tin nhận thì cần gì phải bận tâm đến những thứ phụ trợ khác. Hết thảy chúng sanh nổi trôi trong sanh tử chỉ nghĩ đến một niệm này, không nghĩ gì khác; dẫu cho đến lúc ngộ được Chân Tánh, trở về nguồn gốc, thành Ðẳng Chánh Giác vẫn chỉ có một niệm này không có niệm nào khác.
Sách Di Ðà Sớ Sao lại viết: “Tín chính là tịnh tâm". Luận nói: "Tín là thật đức có thể nhẫn được dục lạc một cách sâu xa. Tâm tịnh là tánh. Sao lại bảo là tịnh tâm? Là vì tâm thù thắng như thủy thanh châu lóng trong nước đục. Các nhiễm pháp lại đều có tự tướng. Chỉ do chẳng tin nên tự tướng bị vẩn đục, lại khiến cho tâm, tâm sở cũng bị vẩn đục như vật cực dơ đã tự khiến mình dơ lại còn làm dơ vật khác. Tín có thể chuyển biến điều ấy nên tịnh là tướng’. Nay tu Tịnh Ðộ thì tâm tịnh là điều cốt yếu nên Tín là nhiệm vụ cấp bách thật đã quá rõ vậy”.
Lựa chọn sanh vào Tịnh Độ là con đường Nhất Thừa, viên mãn, chẳng thể nghĩ bàn, tột bậc thù thắng, do nương cậy vào nguyện lực đã thành tựu từ vô lượng kiếp của A Di Đà Phật. Nói theo phía phàm phu trong hiện tiền thì đây là sự lựa chọn hết sức lý trí. Hiểu rõ đường lối, biết sức lực của chính mình, biết lòng từ bi của mười phương chư Phật, biết sự thù thắng của Tịnh Độ. Người tu cầu thành Phật chỉ cần có tín nguyện, đi theo con đường này, chắc chắn sẽ thành tựu nhanh chóng, đến cuối cùng, sẽ hoàn thành nguyện lực đại bi.
Tài liệu tham khảo:
Kinh Vô Lượng Thọ, phẩm thứ 23: Thập Phương Phật Tán
Phật thuyết A Di Đà kinh; Tịnh độ thập nghị luận