Tô bồi tâm hiếu hạnh – Nhân lành cốt yếu trong quá trình tu tập
Theo lời Phật dạy, được làm người là một phước báo lớn lao. Thử hỏi nếu cha mẹ không cho ta cơ hội ra đời, ta rơi vào thai loài súc sinh nào đó thì làm gì ta có được thân phận một con người. Công ơn cha mẹ rộng lớn vô lượng vô biên, phận làm con chúng ta phải có hiếu thảo, phải trả hiếu đối với cha mẹ. Nhưng làm thế nào để mỗi người con Phật giữ gìn được tròn vẹn hai chữ “hiếu nghĩa” đây?

Công đức sinh thành, cả một đời nặng trĩu nghĩa ân

Cha muôn thuở vầng dương soi sáng
Độ lượng gian nan không ngại khó khăn
Mẹ nghìn đời dòng suối ngọt ngào
Bao dung tận tụy chẳng hề than.


Hiếu với Mẹ Cha tức là kính Phật. Nếu ở đời không có Phật thì hãy khéo thờ cha mẹ. Khéo phụng thờ cha mẹ như phụng thờ Phật vậy (Kinh Đại Tập) 

“Hiếu dưỡng phụ mẫu” vốn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và cũng như của tất cả những người con Phật. Chữ “hiếu” là bài học đầu tiên của đạo làm người, là điều căn bản đầu tiên trong 11 điều tu phúc của chư Phật. Đức Phật dạy, cha mẹ như hai vị Phật trong nhà, thờ cha mẹ cũng chính là thờ Phật.

Đức Phật sau khi thành đạo cũng trở về quê nhà hóa độ phụ vương, lên cung trời Đao Lợi thuyết pháp độ mẫu thân. Khi vua cha băng hà, Đức Phật ghé vai nâng kim quan vua cha đưa đi trà tỳ. Lòng hiếu thảo của Đức Phật là tấm gương sáng soi cho hậu thế.

Dù đã cát ái từ thân, dù là bậc thầy của trời người, Đức Phật vẫn không quên ân đức sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Nếu không có cha mẹ ban cho tấm thân thì làm sao có ngày đạt đạo Bồ-đề, thành bậc Đại giác? Và cũng chính vì có hiếu tâm mà Ngài đủ đức hạnh để trở thành một vị Phật. Đức Phật đã từng dạy: “Trong vô lượng kiếp về trước, Ta luôn là người con hiếu thảo, chính vì thế mà nay Ta thành bậc Vô thượng Chánh đẳng giác”. 

Điều đó còn nói lên rằng, đạo hiếu là nền tảng của đạo làm người và đạo thánh nhân. Thiếu hiếu thảo, tính cách đạo đức của con người đã bị phá vỡ và do đó không thể trở thành các bậc hiền thánh để đời ca tụng và học hỏi theo được. Chính vì thế mà kinh Nhẫn Nhục thuộc hệ Đại thừa đã đẳng thức hoá “hiếu” với “điều thiện tối cao”“bất hiếu” là điều ác nguy hại: “Điều thiện tối cao là chí hiếu, điều ác tối cao là bất hiếu”. Kinh Báo Ân cha mẹ cũng dạy rằng: “Công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ vô lượng vô biên, thì tội bất hiếu cũng vô biên vô lượng”, nhằm xác quyết rằng, đạo hiếu là con đường mà tất cả các bậc thánh hiền, các bậc giác ngộ đã đi qua. 


Đức Phật dạy: "Hiếu thuận với cha mẹ là nghiệp lành lớn nhất của đời người, là phúc báo mà mọi người đều nên làm nhất trên đời"

“Hiếu nghĩa” cũng là nền tảng căn bản của hết thảy các phẩm chất đạo đức làm người. Đây là bước khởi đầu của mọi đạo lý trên đời. Nếu tính cách thiêng liêng của đạo hiếu bị phá vỡ thì tính cách đạo đức của một cá nhân cũng không thành tựu được. Nghĩa là người bất hiếu không phải là người hiền lương và đạo đức (kinh Vu Lan Báo Hiếu). 

Theo lời Phật dạy, được làm người là một phước báo lớn lao. Thử hỏi nếu cha mẹ không cho ta cơ hội ra đời, ta rơi vào thai loài súc sinh nào đó thì làm gì ta có được thân phận một con người. Nếu ta tái sanh làm con trâu, con bò, con heo, gà vịt, chẳng phải là bi thảm lắm sao? Vậy lẽ nào ta không biết ơn cha mẹ? 

Một người dù mang thân phận gì, ở địa vị nào, nếu bất hiếu với cha mẹ thì không đủ tư cách làm người. Từ vua cho đến thứ dân, từ người trí thức cho đến kẻ không được học hành, từ người sang đến kẻ hèn, ai ai cũng do cha mẹ sinh ra mà có mặt trên cuộc đời này, không ai từ đất chun lên hay từ trên trời rơi xuống. Dù cha mẹ có xuất thân thấp hèn cũng là người đã tạo ra mình, nuôi mình nên hình nên vóc. Nếu không có tình thương yêu con, thì cha mẹ đâu nuôi con khôn lớn, dạy dỗ con nên người, làm mọi thứ chỉ vì lo cho con, muốn tốt cho con, luôn muốn con được sướng vui, hạnh phúc. Nếu không có cha mẹ thì mình đâu có được ngày hôm nay. 

Đó là lý do mà Đức Phật khuyên tất thảy chúng ta, những người học Phật phải biết hiếu kính, đừng nên lơ là việc chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ. Phận làm con phải có hiếu thảo, phải trả hiếu đối với cha mẹ. Nhưng trả hiếu bằng cách nào cho trọn vẹn đây? 

Lòng hiếu thảo chẳng những là bổn phận, là trách nhiệm đạo đức của người con đối với cha mẹ, mà còn là tấm gương sáng để các thế hệ con cháu sau này noi theo. Một ngày kia ai cũng sẽ trở thành ông bà cha mẹ, khi ấy hẳn sẽ không ai muốn con cháu bất hiếu với mình, vong ân bội nghĩa đối với mình, và sẽ rất đau lòng khi nghe nói rằng: “Cha mẹ có công ơn gì chứ? Con cái chỉ là kết quả niềm vui ái ân hoan lạc của họ mà thôi!”.

Dĩ nhiên không phải chỉ trong lễ Vu lan hay Ngày của Cha, Ngày của Mẹ con cái mới nghĩ tưởng đến cha mẹ mình, hiếu thảo với cha mẹ mình, còn những ngày tháng khác thì bỏ quên cha mẹ. Con cái phải luôn nhớ nghĩ đến cha mẹ mình, hiếu thảo với cha mẹ mình mọi lúc mọi nơi; khi mình còn nhỏ và cả khi tuổi đã xế chiều, vì dù con có lớn đến bực nào thì cũng vẫn là con của cha mẹ. Sự quan tâm, kính trọng, thương yêu, báo hiếu cha mẹ là tình cảm đạo đức, là bổn phận, trách nhiệm của người con, là đạo lý làm người.

Công ơn cha mẹ rộng lớn vô lượng vô biên, nên ta không thể dùng một ngày trong một năm mà có thể trả hết được. Vì thế, báo hiếu phải đúng cách và đúng pháp mới đem lại lợi ích lâu dài và có hiệu quả. Phật giáo cho rằng, cung kính tận hiếu đạo nên chú ý ba điểm sau đây: 

Hiếu thuận nhất thiết phải lâu dài, không phải trong chốc lát

Kinh Trường A-hàm nói, con cái phải kính thuận cha mẹ với 5 điều:

- Phụng dưỡng cha mẹ, không để cha mẹ thiếu thốn
- Hễ có việc gì, phải báo trước cho cha mẹ biết
- Cha mẹ làm, kính cẩn nghe theo không được chống lại
- Cha mẹ dạy dỗ, không nên làm trái
- Không cản chánh nghiệp cha mẹ làm 

Kinh Tâm địa quán cũng nói: “Hiếu dưỡng phụ mẫu chi phước dữ cung Phật đồng đẳng, ưng đương hiếu kính hằng tại tâm”. Nghĩa là phước đức của việc phụng dưỡng cha mẹ ngang bằng với việc cúng dường Phật, hiếu kính cần phải hằng hiện hữu trong trái tim. 

Hiếu thuận nhất thiết phải thực chất, không được hình thức bên ngoài

Ngoài phụng dưỡng vật chất, người con phải dành sự an ủi cho cha mẹ về mặt tâm lý và an lạc về mặt tinh thần. Kinh Phụ mẫu trọng ân nan báo ghi: “Nhược phụ mẫu vô tín, giáo lệnh tín; vô giới, dữ giới giáo thọ; bất văn, sử văn giáo thọ; kiên tham, giáo lệnh hảo thí”. Nghĩa là, nếu cha mẹ không có niềm tin, hãy hướng dẫn khiến cha mẹ có niềm tin; không có giới pháp, hãy truyền thụ cách thọ giới cho cha mẹ; nếu không được nghe (Chánh pháp), hãy truyền thụ cho cha mẹ được nghe; nếu tham lam keo kiệt, hãy hướng dẫn cha mẹ bố thí. Có thể mở mang giáo hóa cha mẹ của mình là cách báo hiếu cao cả nhất trong Phật giáo, là cách báo ơn chân thực nhất mà con cái dành cho đấng sinh thành. 

Hiếu thuận nhất thiết phải được toàn diện, mà không phải một phần

Trong Phật giáo, ơn cha mẹ theo nghĩa rộng còn bao gồm “ân sư trưởng” (ơn thầy dạy dỗ), điều đó gọi là “nhất nhật vi sư, chung thân vi phụ” (một ngày làm thầy, suốt đời làm cha). Phật giáo giảng: “Thượng báo tứ trọng ân, hạ tế tam đồ khổ”. Một trong bốn ân nặng ở đây chính là “báo ân cha mẹ”. 

Hiếu thuận phải bắt đầu thực hành từ người thân của mình, rồi từng bước mở rộng đến mọi người trong xã hội, cho đến tất cả chúng sinh vô lượng vô biên. Đây chính là chí hiếu trong tư tưởng Phật giáo.

Tựu chung, tấm lòng hiếu đạo của những người con Phật được xem là biểu hiện của niềm tin Phật pháp một cách tuyệt đối, cũng là biểu hiện của hạnh từ bi cứu khổ và tinh thần hướng thượng. Chỉ có hướng thượng, thành tâm nương về Chánh pháp và được sự chú nguyện của đại chúng Tăng thanh tịnh thì mới có thể tháo gỡ nghiệp lực và hóa giải mọi khổ đau phiền trược.

Mỗi người con Phật chúng ta hãy cố gắng tô bồi cho mình tâm hiếu hạnh viên mãn. Bởi lẽ, đó không chỉ là cách để báo đền ân nghĩa sâu dày của hai đấng sinh thành, mà đó còn là nhân lành cốt yếu trong việc tu dưỡng phẩm hạnh và phúc đức, hướng tới thành tựu mọi hạnh nguyện tốt đẹp, lớn lao giữa thế gian. 


trong Tin tức
Tô bồi tâm hiếu hạnh – Nhân lành cốt yếu trong quá trình tu tập
Ban Lien Huu 4 tháng 8, 2022
Share this post
Tag
Lưu trữ
Vu Lan – "Chất liệu của yêu thương"
Nói đến Vu Lan, bất kỳ người con hiếu thảo nào cũng chợt se lòng. Vì lẽ, trong ngày ấy, niềm hiếu hạnh vốn dĩ trong lòng người con Phật lại thêm một lần được khơi dậy. Tuy nhiên, Vu Lan không đơn thuần chỉ là ngày báo hiếu mà còn hàm chứa nhiều lễ tiết quan trọng của chư Tăng, trở thành một ngày hội lớn nên được gọi là Vu Lan thắng hội.