Truyền năng lượng của từ bi đến vạn loài
Hãy mở rộng tâm từ để cảm thông, thấu hiểu và yêu thương nhau hơn trong cuộc sống ngắn ngủi này. Hãy sống trong thế giới biết ơn tất cả, thay vì trách móc oán hờn, để Tâm tư an lạc, rồi truyền năng lượng của từ bi và trí tuệ đó đến vạn loài, tu được cho mình và làm lợi ích chúng sanh.

Vạn vật hiện tượng, kể cả đạo lộ tu tập của mỗi hành giả cũng đều cần có năng lượng để vận hành và chuyển hóa. Trong cuộc sống, con người mãi khổ đau với tiền tài, sắc đẹp, danh lợi,… cũng chỉ vì tham dục. Bằng tuệ giác giải thoát, Đức Phật đã khuyến tấn hàng đệ tử hãy trải tình thương hóa độ những tâm hồn khổ đau đó, đem lại niềm an vui cho chính mình cũng như cho mọi người. Vì thế, thông điệp “hiểu và thương” là nguồn sức mạnh thiết lập một đời sống an tịnh của Tăng đoàn chốn thiền môn, hóa giải mọi khủng hoảng và tạo dựng một xã hội phát triển tốt đẹp hơn.


Từ là mở rộng lòng thương - Bi là cứu vớt vạn đường chúng sanh

Bằng tình thương và trí tuệ, Ngài đã hóa độ từng căn cơ một cách bình đẳng: “Đức Như Lai không chỉ thuyết pháp cho các hạng người quyền quý như vua Bạc-đề-ca, mà cũng thuyết pháp cho hạng người bần cùng như ông Ưu-ba-ly; không riêng thọ lãnh sự cúng dường của những người giàu có như ông Tu-đạt-đa, mà cũng thọ lãnh sự cúng dường của hạng người nghèo khổ như ông Thuần-đà; không riêng cho phép xuất gia các hạng không có tánh tham như ngài Ca-diếp, mà cũng cho phép xuất gia những người có nhiều tánh tham như ông Nan-đà; không những thuyết pháp cho hạng người an tịnh không dự việc đời, mà cũng thuyết pháp cho vua Tần-bà-sa-la trong lúc đang bận rộn việc nước; không những thuyết pháp cho hạng thanh niên trẻ tuổi, mà cũng thuyết pháp cho ông già 80 tuổi; không những thuyết pháp cho bà hoàng hậu Mạt-lỵ, mà cũng thuyết pháp cho dâm nữ Liên-hoa”. Pháp lành lợi lạc cho tất cả chúng sanh đó chính là tâm từ bi.

“Ai với tâm từ bi,

Thương tưởng mọi hữu tình,

Một người làm như vậy,

Gặt phước đức thật nhiều”

Đức Phật từng dạy rằng: “Này các Tỳ-kheo, chính là ái này đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia. Tức là dục ái, hữu ái, phi hữu ái”. Đoạn trừ ái dục bằng con đường tám chánh (Chánh kiến, Chánh ngữ, Chánh mạng, Chánh nghiệp, Chánh tư duy, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định) và phát triển tâm từ bi, hành giả sẽ chuyển hóa những tâm hồn khổ đau giữa cuộc đời này.

Là người con Phật, chúng ta không thể thiếu tánh đức từ bi và trí tuệ. Đủ hạnh đức, chúng ta sẽ hạnh phúc trong mọi môi trường, đặc biệt trong chốn tùng lâm. Mỗi người mỗi tập nghiệp, để sống chung mà vẫn an vui, ta không thể thiếu sự thấu rõ và quán chiếu. 

Hoàn cảnh vô thường, thân vô thường, tâm càng vô thường hơn, vì nó sanh diệt biến đổi không ngừng, cảm xúc buồn vui mừng giận lên xuống duyên theo cảnh. Thấy rõ, hiểu thấu, chúng ta sẽ biết học cách sống nhẹ nhàng, buông bỏ bớt những vướng kẹt chấp trước, nhìn vạn vật bằng trí tuệ của người biết tu. Dẫu sống trong động nhưng lòng ta vẫn bình an, có gì thật, buông đi để nhẹ nhàng. Bớt hướng ngoại từ những điều bất như ý từ xung quanh để bất bình, chán nản và oán than. Hãy nhìn những điều tích cực, tốt đẹp của nhau, tập nghĩ tốt cho người, vì trong cuộc sống này không một ai toàn diện cả, ngay bản thân ta cũng vậy. Cảm thông để sống nhẹ, cảm thông để hiểu, để mỉm cười, thấu hiểu những góc khuất và khó khăn của đối phương. Có cảm thông mới có hiểu, hiểu sẽ dần yêu thương và nâng đỡ nhau trong cuộc sống. 

Theo quan niệm của nhà Phật, để có thể hiểu và thương, để trải tâm từ bi, mỗi hành giả phải biết rõ tâm niệm của mình để chuyển hóa, từ nghịch trở thành thuận, kia là hoại mà ta lại thành. Đức Phật dạy: 

Thứ nhất là tâm khiêm hạ, đồng tử Phạm Thiên khuyên rằng:

“Hãy bỏ niệm nhân, ngã

Ở riêng tu từ tâm,

Trừ tham dục, xú uế,

Được sanh làm Phạm Thiên”

Nếu hành giả thờ ơ trước những cảnh ngộ khổ đau, lòng còn chất chứa nhiều tập khí hơn thua, đố kỵ thì làm sao phát khởi tình thương với mọi người được? Đừng vì sự kiêu mạn của tuổi trẻ, sự sống và không bệnh làm trỗi dậy hình bóng tự ngã, ba nghiệp gây tạo nhiều điều bất thiện. Để nhiếp phục lòng kiêu mạn, hành giả nỗ lực quán chiếu ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành và thức), nhận chân lý duyên sinh vô ngã, phát khởi tâm khiêm hạ, tôn trọng và nhường nhịn lẫn nhau để phát triển đời sống tốt đẹp hơn.

Thứ hai là hạnh lắng nghe, Đức Phật từng dạy rằng:

“Tâm hốt hoảng, dao động,

Khó hộ trì, khó nhiếp;

Người trí làm tâm thẳng,

Như thợ tên làm tên”

Chứng kiến cảnh Châu-lợi-bàn-đặc thối tâm Bồ-đề tu tập, Đức Thế Tôn đã ân cần chỉ dẫn Tôn giả dùng khăn lau thân thể và đọc “tẩy sạch dơ bẩn” chứng đắc quả A-la-hán. Thấu rõ nỗi đau của người phụ nữ xứ Ấn Độ và giai cấp Thủ-đà-la, Đức Phật đều hóa độ tu tập một cách bình đẳng “không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn”.

Hạnh lắng nghe của Bồ-tát Quán Thế Âm đã thấu suốt tiếng khổ của chúng sanh mà ứng hiện hóa thân để cứu độ. Nghe với tâm không phán xét hay thành kiến, sự thấu hiểu và yêu thương những mảnh đời bất hạnh đã gắn kết tình người lại với nhau. Được sự thỉnh mời của trưởng giả Cấp-cô-độc khi đang lâm bệnh, Tôn giả đã đến thăm bệnh và thuyết pháp hóa độ trưởng giả chấm dứt thống khổ và sanh tâm hỷ lạc.


Hãy sống trong thế giới biết ơn tất cả, thay vì trách móc oán hờn, được như vậy cuộc sống chúng ta sẽ rất nhẹ

Thứ ba là sức kiên nhẫn, trong bài Kinh Sức mạnh thuộc Kinh Tăng Chi bộ, Đức Phật đã liệt kê tám loại sức mạnh: “Này các Tỳ-kheo, sức mạnh của con nít là khóc; sức mạnh của đàn bà là phẫn nộ; sức mạnh của người ăn trộm là vũ khí; sức mạnh của các vua chúa là uy quyền; sức mạnh của kẻ ngu là áp đảo; sức mạnh của bậc Hiền trí là cảm hóa; sức mạnh của vị nghe nhiều là thẩm sát; sức mạnh của Sa-môn, Bà-la-môn là nhẫn nhục”. Tiêu biểu như hình ảnh Tỳ-kheo Phú-lâu-na hóa độ người dân hung bạo xứ Du-na; dù cho họ có nhục mạ, đánh đập, ném đất, thậm chí lấy dao đoạt mạng thì Tôn giả vẫn kham nhẫn an tịnh và nhiếp phục họ tu tập thiện pháp.

Nhẫn nhịn những điều khó nhịn trước những đổi thay của ngoại cảnh cũng như sự tác động của con người mà tâm vẫn an tịnh là một trong sáu pháp Ba-la-mật của hàng Bồ-tát trên lộ trình tu tập chứng thành Phật quả. Sức mạnh chiến thắng ngoại cảnh và kiểm soát nội tâm được xem là một chiến công oanh liệt nhất mà trong phẩm Ngàn của Kinh Pháp cú nói rằng:

“Tự thắng, tốt đẹp hơn,

Hơn chiến thắng người khác;

Người khéo điều phục mình,

Thường sống tự chế ngự”

Thứ tư là là hạnh thi ân không mong cầu báo đáp, ngoài bốn chúng đệ tử (Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di), với hạnh nguyện lợi tha và trái tim bao dung, Đức Phật đã đem lại hạnh phúc, an lạc không chỉ cho các hạng người trong xã hội mà còn chư thiên, phi nhân,… bằng việc quay về chánh pháp tu tập. Ngài đã giúp Ambattha nhận thức rằng giới hạnh và trí tuệ là thù thắng, sách tấn tôn giả A-nan thực hành đầy đủ tâm từ bi và thành tựu công đức,…

Thứ năm là năng lượng bình an, hành giả trân quý từng phút giây hiện tại, nỗ lực thực hành các thiện pháp tạo sự bình an cho nội tâm. Một ánh mắt, một nụ cười, một lời động viên, một hành động hay một suy nghĩ cũng làm vơi đi bao nỗi buồn và hiến tặng an vui đến cho người. Bằng tình thương và ngôn ngữ từ hòa của bậc đạo sư, Đức Phật đã hóa độ tên cướp Angulimàla thức tỉnh những việc làm sai trái mà quy hướng Đức Phật tu tập các thiện pháp. Vâng lời Đức Phật chỉ dạy, tôn giả Angulimàla đã trải tâm từ cầu nguyện cho người phụ nữ mang thai và đứa trẻ được sinh ra bình an.

Tóm lại, chỉ có tình thương mới tiêu tan hận thù và tham ái, tỉnh thức lòng người đang vật vã trong những khổ đau trần thế. Những người con Phật chúng ta cần vun bồi những phẩm hạnh cao quý như tâm khiêm hạ, đức hy sinh, hạnh lắng nghe, lòng kiên nhẫn,… trong đời sống tu tập và giao tiếp hằng ngày. Thông điệp từ bi và hòa bình của Đức Phật thức tỉnh mọi người thực hành thiện pháp, chuyển hóa khổ đau, hoàn thiện đạo đức tự thân, xây dựng gia đình hạnh phúc và xã hội an vui thái bình.

Tài liệu tham khảo

Phật học phổ thông, quyển 1, NXB Tôn giáo

Kinh Trung bộ, tập 2, kinh Angulimàla, NXB Tôn giáo

Kinh Trường bộ, kinh A-ma-trú, NXB Tôn giáo

Kinh Diệu pháp Liên hoa, phẩm 25, NXB Tôn giáo

trong Tin tức
Truyền năng lượng của từ bi đến vạn loài
Ban Lien Huu 24 tháng 7, 2022
Share this post
Tag
Lưu trữ
Ứng dụng thiền Phật giáo trong việc chuyển hóa cảm xúc
Tất cả mọi người đều mong có một cuộc sống bình an và hạnh phúc, chẳng ai muốn sinh ra phải chịu khổ đau cả. Những hoạt dụng của tâm ý, cảm xúc và hành vi của con người thiên biến vạn hoá dưới nhiều mức độ thô, tế khác nhau mà khổ đau, hạnh phúc được lưu lộ. Thành công nằm trong sợi tơ của sát na vô thường nên chuyện sống chết của con người phải đối diện trong từng khoảnh khắc, từ đó mới hiểu giá trị hơi thở của Thiền trong sự sống hiện tại.