Hiếu đạo của Phật giáo có thể hiểu theo hai nghĩa nghĩa hẹp và rộng. Theo nghĩa hẹp, hiếu đạo là phụng dưỡng cha mẹ, cung kính cha mẹ trên cả hai phương diện vật chất và tinh thần. Theo nghĩa rộng, người thực hành hiếu đạo không những hiếu dưỡng với cha mẹ mình mà phải nghĩ nhớ đến cha mẹ trong ba đời thuộc quá khứ, rộng đến chúng sinh trong sáu đường. Bởi vì, hàng phàm phu chúng ta, từ vô lượng kiếp đến nay ở mãi trong sanh tử, luân hồi trong sáu đường, lên xuống không ngừng. Nếu được thọ sinh vào cõi người hay cõi trời, thì chúng sinh trong ba đường lành cũng có thể là cha mẹ trong quá khứ, hoặc cha mẹ trong tương lai của chúng ta. Nếu như bị trầm luân trong ba đường ác, thì chúng sinh trong đường ác cũng có thể là cha mẹ trong quá khứ hay tương lai của chúng ta. Hoặc là cha mẹ trong đường lành ở quá khứ, do nghiệp ác lôi kéo, nay phải đọa vào đường ác chịu khổ, hoặc là cha mẹ trong đường ác ở quá khứ, quả báo chấm dứt, nãy sinh vào cõi người.
Vì vậy, Kinh Phạm Võng nói: “Tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta, ta đời đời đều thọ sinh từ họ, cho nên chúng sinh trong sáu đường đều là cha mẹ ta”. Chúng ta cần phải báo ân vì: “Loài hữu tình luân hồi sinh trong sáu đường, như bánh xe quay không ngừng, hoặc làm cha mẹ, làm người nam người nữ, đời đời kiếp kiếp cùng có ân với nhau” (Kinh Tâm địa quán).
Phật giáo căn cứ theo nguyên lý chúng sinh sống chết luân chuyển trong sáu đường ở ba đời, cho nên tất cả chúng sinh, có thể là cha mẹ quyến thuộc trong nhiều đời nhiều kiếp của mình, liên hệ với nhau rất chặt chẽ, cùng có ân với nhau. Vì lý do này, không những cần phải báo ân cha mẹ, mà còn phải báo ân chúng sinh. Huống gì, con người trong bất kỳ thời đại nào, từ khi sống nơi hoang dã, cho đến khi bước vào thời đại khoa học kỹ thuật tiến bộ vượt bậc như ngày nay, đều không thể tồn tại độc lập, sống xa lìa quần thể mà phải nương tựa vào nhau, cùng giúp đỡ nhau, chịu ân nhau.
Hàng đệ tử của Đức Phật thực hành hiếu đạo, nghĩ muốn trên thì báo đáp bốn ân nặng, dưới thì cứu khổ ba đường, nếu không phát tâm Bồ-đề, thực hành Bồ-tát đạo thì không thể báo ân được. Bởi vì, ân sâu nặng trong nhiều kiếp, không thể dùng tài vật mà có thể báo đền được, càng không thể dành trọn thời gian cả cuộc đời, hay cả sức lực trong một đời mà có thể báo đáp được. Cần phải phát nguyện, đời đời kiếp kiếp luôn thực hành Bồ-tát đạo, rộng tu lục độ (Bố thí Ba-la-mật-đa; Giới Ba-la-mật-đa; Nhẫn nhục Ba-la-mật-đa), tứ nhiếp, thực hành vô lượng đạo pháp của chư Phật. Dùng tiền của giúp đỡ những chúng sinh gặp khó khăn trong cuộc sống, dùng pháp bố thí xua tan sự đói khát tinh thần của chúng sinh. Đồng thời, khiến cho tất cả chúng sinh trong nhiều đời đã từng làm cha mẹ quyến thuộc, hiểu được nhân, biết được quả, dừng việc ác, tu pháp lành, kính tin Tam bảo, cùng phát tâm Bồ-đề, cùng vượt qua biển sinh tử, cùng lên bờ Niết-bàn, hoàn toàn xa lìa khổ đau được an Lạc, là cực kỳ hiếu đạo, mới gọi là báo ân.
Dù có đọc muôn kinh nghìn sách, cũng phải lấy đức hiếu làm đầu
Trong quan hệ đời thường, để đánh giá một người trước khi hợp tác với họ làm điều gì, thì lòng hiếu thảo được coi là một căn cứ quan trọng, nếu không muốn nói là hàng đầu. Cho nên nhà Nho nói: “Thiên kinh vạn quyển, hiếu nghĩa vi tiên”, tức là dù có đọc muôn kinh nghìn sách, cũng phải lấy đức hiếu làm đầu, cũng có cái lý của họ.
Hơn nữa, trên quan điểm của Phật giáo, nếu chúng ta chỉ báo hiếu một cách đơn thuần dưới hình thức phụng dưỡng thì chưa đủ gọi là người con có hiếu được. Kinh Phật thuyết hiếu tử nói: “Con cái phụng dưỡng cha mẹ, dùng cam lộ trăm vị làm dễ chịu miệng của cha mẹ, dùng âm thanh nhạc trời làm êm tai cha mẹ, dùng y phục tối thượng làm sáng rỡ thân cha mẹ, mà không thể hướng dẫn cha mẹ đến với Tam bảo thì tuy có hiếu dưỡng cũng giống như bất hiếu”. Tam Bảo tức là Phật, Pháp và Tăng, có thể dùng chánh pháp làm an lạc chúng sinh, làm cho con người lìa xa nhân khổ đau, được quả an lạc, vĩnh biệt phiền não, nuôi lớn huệ mạng, ân làm cho người được tái sinh, gọi là ân Tam bảo.
Đại sư Trì Liên nói: “Người con phục vụ và phụng dưỡng cha mẹ, để cha mẹ an lòng, là hiếu; lập thân hành đạo để làm vinh hiển cha mẹ, là đại hiếu; lấy pháp môn niệm Phật chỉ bày cho cha mẹ nhờ đó mà vãng sanh Tịnh độ, là đại hiếu trong đại hiếu”.
Từ đây có thể thấy, Phật giáo rất coi trọng đạo hiếu xuất thế gian, điều này có nghĩa là một người phải làm sao cho cha mẹ giác ngộ, giải thoát khỏi sinh tử luân hồi mới được coi là chí hiếu đích thực. Đây chính là quan điểm hiếu đạo cao tột không giống với những quan điểm hiếu đạo thông thường khác. Bởi vì, nếu không hiểu được sự luân chuyển trong vòng sinh tử thì cũng không thể thực hành hiếu đạo một cách hoàn thiện nhất.
Phật giáo không chỉ chú trọng hiếu đạo, mà tư tưởng hiếu đạo, theo chiều thẳng xuyên qua ba cõi, chiều ngang thấu khắp mười phương. Vừa dùng tâm báo ân đối với cha mẹ trong ba đời, chúng sinh trong sáu đường, hiếu thảo họ, cung kính họ, phụng dưỡng họ, khuyến khích họ, hướng dẫn họ; đồng thời, còn dùng tiền của và giáo pháp ban phát cho họ, làm cho tất cả họ lìa xa nhân đau khổ, quả khổ đau; cùng phát tâm Bồ-đề, cùng chứng đạo vô thượng. Có thể nói: Hiếu đạo rất rộng, rất lớn, rất sâu, rất xa, đến cực điểm và vô cùng vô tận.
Tài liệu tham khảo:
Tư tưởng hiếu đạo trong Phật giáo, Thích Nhuận Đạt tuyển dịch, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh