Trong ba biểu hiện của đời sống (tâm ý, cảm xúc và hành vi), tâm ý giữ vai trò quan trọng nhất, vậy con người cần ứng dụng Thiền vào đời sống để được bình an lạc hạnh phúc.
Ứng dụng Thiền trong việc kiểm soát tâm ý
Vai trò của tâm thức chiếm một vị trí đặc biệt và được triển khai nhiều trong kinh tạng, bởi lời Đức Phật dạy chú trọng chuyển hoá từ tâm phàm thành thánh. Tâm ý luôn tồn tại các cặp phạm trù đối lập, tâm thiện-ác, tâm hoan hỉ-giận dữ… gọi chung là tâm tích cực và tiêu cực. Tâm thuộc về tinh thần (danh), thế giới nội tâm; các trạng thái và thuộc tính của nó luôn chiêu cảm con người và thế giới. Sự vận hành của tâm qua nhận thức, cảm xúc và ý chí khá phức tạp, tâm lý học Phật giáo đã phân tích ra nhiều dạng thức gồm tám Tâm vương, năm mươi mốt Tâm sở… Vậy, tâm không có hình tướng nhưng công năng thì bất khả tư nghì. Giải thoát hay khổ đau đều do tâm quyết định.
Việc ứng dụng “thiền chỉ” để tâm vững chãi, Tâm ô nhiễm hay thanh tịnh là hai mặt của một bản thể, nếu sống chánh niệm tỉnh giác thì tâm trong sáng, an lạc; tâm ô nhiễm, vọng tưởng thì khổ đau. Vì vậy, Kinh Pháp Cú bài đầu tiên đề cập với người tâm ý nghĩ ác thì khổ đi liền, nếu tâm nghĩ thiện thì điều tốt có mặt. Thực hành “thiền chỉ” làm chủ tâm bằng phương pháp theo dõi hơi thở vào, ra; quán sát các yếu tố sinh khởi và hoại diệt của thân thể từ đó vọng tưởng khổ đau không sinh khởi. Vận dụng “thiền quán” với nhiều đề mục, năm trói buộc tâm, năm thủ uẩn, sáu giác quan và sáu đối tượng của nó, bảy yếu tố giác ngộ và bốn chân lý; nhằm cởi trói các ràng buộc, không chấp ngã và ngã sở, không kẹt vào giác quan và các đối tượng của nhận thức. Bản năng tham dục cố kết trong tạng thức nhiều đời nên ứng dụng thiền quán thấy rõ, sâu, quán triệt về các chuỗi mắt xích mười hai nhân duyên hay năm thủ uẩn đang vận hành trong quy luật vô thường, khổ, vô ngã để thấy nguyên nhân và gốc rễ của khổ đau. Khi ấy, người thực hành thiền làm chủ được tâm ý thì các tâm lý tích cực như tâm từ bi, hỷ xả, bao dung, biết chia sẻ và nhiệt tâm trong cuộc sống hiện tại được trưởng.
Bài Kinh Tứ Niệm Xứ nhấn mạnh đến con đường thanh tịnh đưa đến an lạc chấm dứt chuỗi mắc xích của năm triền cái, bởi năm triền cái là chướng ngại cho việc thực tập thiền; cần thấy rõ “với tâm có tham, tuệ tri: “Tâm có tham” hay với tâm không tham, tuệ tri: “Tâm không tham”; sân, si…”. Lợi ích của thiền nhấn mạnh trên phương diện tuyệt đối làm cho đối tượng nghe xa lìa tham ái, chấp trước “…người thực hành thiền định có công năng thoát ly được sự chi phối của năm dục trưởng dưỡng; nghĩa là đoạn trừ năm món dục lạc thế gian”. Người đắc thiền thì đoạn trừ năm triền cái, đạt được năm thiền chi; nhất tâm đối trị và đoạn trừ tâm tham dục. Trong quá trình chuyển hoá thấy rõ “tầm” bám dính vào tâm, gắn tâm trên đối tượng; nhiệm vụ chung của “tầm” là hướng tâm và tâm sở đến đối tượng. “Tầm” có bất thiện tầm và thiện tầm. Khi kết hợp với tâm bất thiện như tham sân si hoặc năm triền cái, “tầm” trở thành bất thiện tầm gồm dục tầm, sân tầm và hại tầm, không ức niệm, không tác ý những tầm ấy, thì các bất thiện tầm diệt vong. Bất thiện tầm được chuyển hoá trở thành thiện tầm, gồm viễn ly tầm, vô sân tầm và bất hại tầm. Vì vậy, theo Phật giáo, nguyên nhân đau khổ xuất phát do dục cầu khởi lên từ khát vọng, ghét hận, vô minh và vọng tưởng, các căn bệnh về tâm đều do điên đảo vọng tưởng từ tâm bất thiện phát sinh. Nhận thức rõ về tâm khi tiếp xúc tịnh tướng, hộ trì các căn, ăn uống tiết độ, tâm tinh cần thì người ấy chế ngự được tham ưu ở đời, tâm kiên cố như núi đá trước gió. Dòng chảy của tâm có liên hệ đến thân; tâm bệnh thì thân bất an, thân bệnh thì tâm sầu não, vì thế tâm nhu nhuyến, vững chãi khéo điều phục các tâm sở bất thiện thì thân, tâm an trú trong pháp lạc. Đức Phật có dạy trong Kinh Tăng Chi “Này các Tỳ kheo, nếu năm pháp này không rời bỏ một kẻ ốm yếu bệnh hoạn… không bao lâu, do thân đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, với thắng trí sẽ chứng ngộ, chứng đạt, và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Vậy thế nào là năm? Sống quán bất tịnh trên thân, với ghê tởm đối với các món ăn, với tưởng không thích thú với thế gian, quán vô thường trong tất cả hành, và nội tâm khéo an trú trong tưởng về chết… năm pháp không rời bỏ một kẻ ốm yếu bệnh hoạn, ngay trong hiện tại với thắng trí sẽ chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát”. Các trạng thái và biểu hiện của tâm chúng ta luôn tỉnh giác trong tu tập mới đưa đến thanh tịnh giữa thân và khẩu. Vì thế, có thể khẳng định rằng trong ba nghiệp tham, sân và si thuộc về tâm ý có tính quyết định đời sống của con người.
Ứng dụng Thiền trong điều chỉnh cảm xúc
Cảm xúc là một hiện tượng tâm ý của con người về một đối tượng nào đó ngắn liền với những suy nghĩ mà năng lực của cảm xúc chi phối rất lớn đến hành vi của con người. Từ cảm xúc có thể tạo ra những thay đổi về sinh lý, hành vi và nhận thức khác nhau. Cảm xúc rất phức tạp nên trong giáo lý Ngũ uẩn và giáo lý Mười hai nhân duyên đề cập đến cảm xúc, (cảm thọ vedana) như là thuộc tính về tâm lý người, vận hành trong dòng chảy nhân duyên của một cá thể gồm vật chất và tinh thần. Cảm xúc theo Phật học được chia thành ba hoặc năm loại cảm thọ, cảm thọ lạc, cảm thọ khổ và cảm thọ trung tính.
Đối với con người nói chung, theo tác giả có hai phạm trù chi phối lớn nhất đó là vừa ý và không vừa ý hay ghét và thương. Con người rơi vào tình huống yêu thích thì khởi lên cảm xúc say đắm, hài lòng. Cảm xúc khổ đau xuất hiện khi con người tiếp xúc những sự vật, sự việc và các tình huống không vừa lòng; cảm xúc trung tính là không thể hiện rõ khuynh hướng khổ hay lạc nên cảm xúc này thường rơi vào tâm si. Hai loại cảm xúc như hai thái cực chi phối con người thông thường nhất trong cuộc sống hằng ngày, nếu không nói dòng cảm xúc này kéo dài trở thành nghiệp lực tiềm ẩn trong tâm thức chi phối rất lớn đến đời sống cá nhân.
Con người khi thỏa mãn cảm xúc hạnh phúc thì sinh tham ái, cảm xúc không hạnh phúc sinh sân hận; thương, ghét quá mức chi phối đến hành động đôi khi làm ta đánh mất tự chủ. Một người bị vọng tưởng, cảm xúc tiêu cực điều động qua ngôn ngữ và hành vi thì ngôn ngữ và hành vi đó trực tiếp làm khổ đau cho mình và người khác. Vì vậy, người thực hành thiền cần giữ chánh niệm, thực tập hạnh kham nhẫn, sống bằng tâm từ bi để trí tuệ sáng tỏ không chạy theo và bị chi phối bởi các khuynh hướng cảm xúc tham ái, giận dữ và si mê đó; Chánh niệm với tâm biết rõ như lý tác ý (yoniso manasikāra), như lý tư duy ở trạng thái không phân biệt mà Đức Phật đã dạy cho ông Bāhiya và vị sư già Malunkyaputta: “Trong cái thấy sẽ chỉ là cái thấy; trong cái nghe sẽ chỉ là cái nghe; trong cái thọ tưởng (cảm giác) sẽ chỉ là cái thọ tưởng, trong cái thức tri (nhận thức) sẽ chỉ là cái thức tri. Thực tập như thế, không vì điều đó mà có thì xa lìa đối đãi các phạm trù thì đoạn tận được khổ đau”. Thực tập thiền quán với đời sống hiện tại mà không phán đoán, không can thiệp, cái thấy không bị bóp méo bởi dữ liệu.
Tâm lý học hiện đại cho biết những gì chúng ta chú ý đến, như thấy thì nó đã biến dạng bởi những ham muốn và ác cảm của mình; tiến trình bóp méo này xảy ra trước khi có sự nhận thức, đây như là sự luẩn quẩn bắt đầu của sự nhận thức. Đấy cũng chính là việc bẻ cong sự nhận thức để phù hợp với quan điểm của mình. Như Ajahn Brahmavamso nói trong bài viết “Lời dạy cho bāhiya – trong cái thấy chỉ là cái thấy”, nhận thức tạo ra bằng chứng cho tư tưởng; rồi tư tưởng lại biện hộ để hỗ trợ quan điểm của mình. Nó là vòng tròn luẩn quẩn tự biện minh cho chính nó. Đây là quá trình ảo tưởng. Đối tượng tạo sự ảo giác, làm đánh mất chánh niệm trong đó là năm triền cái: “Năm triền cái là thức ăn nuôi dưỡng si mê, là chướng ngại, triền cái bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ”.
Tham dục là những gì mình muốn thấy, nghe, cảm giác và nhận thức, nó thường tô vẽ sự thật, đem vào ý thức những sản phẩm của vọng tưởng. Sân hận là triền cái thứ hai ngăn che sự thấy nghe, biết. Ở đây, sân là một dạng phủ định, không hài lòng. Triền cái thứ ba là hôn trầm, thùy miên can thiệp và vào tiến trình, nghe thấy, cảm giác và nhận biết khiến ta không nhận thức đúng đắn, khiến trí ta bị mù mờ. Trạo cử, hối quá làm ta bị lung lạc, các giác quan luôn bị cuốn theo nên ta không đủ bình tĩnh, chánh niệm về nghe, thấy, nhận biết một cách rõ ràng. Hoài nghi khiến ta lung lạc, tâm không vững, không tăng trưởng niềm tin vào thiện pháp. Vậy, năm triền cái là chủ nhân của sự bóp méo nhận thức, lung lạc cảm xúc dẫn đến cái thấy không rõ ràng; nó còn duy trì si mê, tăng trưởng điên đảo. Người thực hành thiền quán là làm chủ cảm xúc, chánh niệm tỉnh giác, mà qua lời dạy của Đức Phật chuyển hóa cảm xúc đưa đến nhận thức chân thật cho Tỳ kheo Màlunkyaputta đạt một trong các tầng thiền và đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, sau chứng được quả A-la-hán.
Như vậy thiền quán giúp chúng ta an trú trong chánh niệm để thấy cái sâu sắc về thực tại, chân lý trong vô điều kiện tính, cảm xúc tiêu cực thì liền biết chúng, như thế chánh niệm từ bản chất đến các hiện tượng tương thuộc của cảm xúc. Nguồn năng lượng tinh thần giúp ta làm việc một cách chân chính, thu thúc sáu căn, tránh các ác bất thiện pháp trỗi dậy. Nên tâm an trú thực tại giải phóng lo âu, sầu muộn và sợ hãi tạo cảm xúc hoan hỉ, thân tâm đồng điệu hoà kính với mọi người và môi trường xung quanh.
Ứng dụng Thiền trong việc chuyển hoá tâm thế hành vi
Hành vi cá nhân là hệ quả xuất phát từ tâm ý và cảm xúc, chúng biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Hành động thiện hay bất thiện đều do tâm ý gây nên. Yếu tố tâm lý và ý chí tác động mạnh trên điều kiện sống, trên sự biểu hiện của nghiệp quả. Vì vậy gọi “nghiệp (kamma) là hành động có tác ý, một hành động không có tác ý thì chỉ là hành động, mà không gọi là nghiệp”.
Mục đích thực hành thiền chuyển hoá ba nghiệp bất thiện để tâm nuôi dưỡng đức tánh tốt, thúc đẩy sự phát triển tinh thần mẫn nhuệ của nhân cách. Từ tâm ý thanh tịnh đến cảm xúc tiêu cực được hóa giải, nhận thức được tính tương thuộc và hệ nhân quả giữa người với người, giữa người với môi trường xung quanh. Từ đó hành vi được tái cấu trúc theo hệ nhân quả chuẩn mực cho hiện tại và tương lai trong chiều hướng tích cực. Nên giá trị của hành vi tích cực mang trong mình một nền tảng đạo đức hoàn thiện, một giá trị nhân văn cao cả; là tâm điểm kết nối và hoà giải cho cá nhân và cộng đồng trở nên ổn định.
Trên phương diện đại thể mà xét, nhìn vào hành vi biểu hiện của một cá nhân thì biết một phần tâm thức của họ “nội ư trung tức hình ư ngoại”. Một xã hội có những hành động bạo lực, sống với xu thế tâm lý tiêu cực của đám đông, phe nhóm, đình đám thì nó tác động đến vấn đề đạo đức, giá trị văn hóa an sinh xã hội. Những biểu hiện đó xuất phát từ con người thiếu bình tĩnh, không làm chủ tâm, hành động nông nổi và thiếu trách nhiệm nên hậu quả khó lường. Phật giáo chú trọng đến con người, giá trị con người xuất phát từ tâm thức; tiến trình và biểu hiện hành vi cũng từ tâm thức mà có. Những cảm xúc cơ bản, giận hờn, khinh khi, buồn rầu và sợ hãi thường dẫn đến hành động hại mình, hại người và hại môi trường xung quanh. Người thực hành thiền thường có những chuẩn mực cơ bản về đạo đức theo phương châm “Không làm mọi điều ác, thành tựu các hạnh lành, tâm ý giữ trong sạch, chính lời chư Phật dạy”. Hành vi bất thiện thì sẽ tạo nghiệp xấu cho đời này và đời sau, giáo lý Bát chánh đạo đưa ra các chuẩn mực đạo đức hành vi. Đó là chánh ngữ, lời nói chân thật; chánh nghiệp, thực hiện các hành vi chân chánh, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục và chánh mạng, từ bỏ tà mạng, lừa đảo, gian trá, và nuôi sống không chân chánh.
Việc ứng dụng thiền Phật giáo trong việc chuyển hóa cảm xúc của mỗi cá nhân là nền tảng xây dựng hạnh phúc cho mình và người. Kiểm soát tâm ý tăng cường nhận thức như thật, tư duy tích cực để có thể biến hoàn cảnh khổ đau thành hạnh phúc; điều chỉnh cảm xúc từ yếu mềm, thụ động đến phát triển nội lực trong thân thể để nâng giá trị bền bỉ của thân tâm và phát khởi tinh thần năng động sáng tạo. Chuyển hoá hành vi để huân tập định lực sâu nơi tâm, nhận rõ sự vận hành và tin tưởng vào thuyết nghiệp lực để biết rằng chúng tác động đến bản thân, gia đình và xã hội trong hiện tại và tương lai. Nếu biết vậy, chúng ta hãy sống đầy tinh thần trách nhiệm với những suy nghĩ, lời nói và hành vi của mình dù nhỏ nhất. Như vậy, có thể nói đạo đức xã hội chỉ dừng lại trên bề mặt điều chỉnh hành vi; nhưng ứng dụng thiền Phật giáo tiến sâu chuyển hoá dứt trừ tận gốc rễ căn nguyên tham, sân và si của con người một cách toàn triệt.
Nguồn: Tạp chí Văn hoá Phật giáo