Vu Lan – "Chất liệu của yêu thương"
Nói đến Vu Lan, bất kỳ người con hiếu thảo nào cũng chợt se lòng. Vì lẽ, trong ngày ấy, niềm hiếu hạnh vốn dĩ trong lòng người con Phật lại thêm một lần được khơi dậy. Tuy nhiên, Vu Lan không đơn thuần chỉ là ngày báo hiếu mà còn hàm chứa nhiều lễ tiết quan trọng của chư Tăng, trở thành một ngày hội lớn nên được gọi là Vu Lan thắng hội.


Vu Lan bao hàm nhiều “lễ tiết”

Vu lan là tên gọi tắt của Vu-lan-bồn, được phiên âm từ Phạn ngữ Ulambana, dịch nghĩa là “Giải đảo huyền”, tức cứu người bị tội treo ngược. Lễ Vu Lan có duyên khởi từ gương hiếu thảo cứu mẹ của Tôn giả Mục Kiền Liên. Xuất phát từ nhân duyên ấy, thắng hội Vu lan bao hàm nhiều lễ tiết với ý nghĩa: Ngày Tăng tự tứ, ngày Phật hoan hỷ, ngày Tăng thọ tuế, ngày Vu lan - Báo hiếu, ngày Xá tội vong nhân và là ngày của Mẹ.

Ngày Tăng tự tứ là ngày có ý nghĩa quan trọng đối với chư Tăng, sau ba tháng an cư kiết hạ. Tự tứ có nghĩa là tự mình bày tỏ những thiếu sót, lầm lỗi của tự thân đồng thời thỉnh cầu chư Tăng chỉ cho mình những lỗi lầm nếu có mà mình không thấy để sám hối làm cho thân tâm thanh tịnh. Chính sự hợp lực chú nguyện của chúng Tăng sau khi tự tứ đã tạo ra sức mạnh tâm linh, mới đủ sức chuyển hóa mê lầm, khiến cho chúng sanh trong đường ác tỉnh thức nên được thoát khổ.


Cũng ngày ấy, đức Thế Tôn rất vui và hài lòng với hàng đệ tử của mình khi thấy kết quả tu học tiến bộ cuả đại chúng nên được gọi là ngày Phật hoan hỷ. Nhiều vị Tỷ kheo đã thành tựu giải thoát, đoạn tận phiền não và đa phần các Tỷ kheo tân học đều có sự thăng hoa, thanh tịnh vượt bậc sau mỗi kỳ an cư.

Sau ngày tự tứ, chư Tăng được thêm một tuổi hạ, nên gọi là ngày Tăng thọ tuế. Đối với chúng Tăng thì tuổi đời nhiều ít không mấy quan trọng, chỉ căn cứ vào tuổi hạ để phân chia thứ bậc cao thấp. Thêm một tuổi hạ là niềm hạnh phúc của chư Tăng vì từng bước họ đã trưởng thành hơn trong Chánh pháp.

Lễ tiết quan trọng nhất và để lại dấu ấn hiếu hạnh sâu đậm làm rung động hàng triệu con tim của những người con Phật trong thắng hội Vu lan là lễ Báo hiếu. Noi gương hiếu hạnh cuả Bồ tát Mục Kiền Liên, mùa Vu lan về, lòng những người con Phật vốn dĩ chí hiếu lại dào dạt, trào dâng niềm hiếu kính. Hiếu thảo với cha mẹ, kính thờ ông bà tổ tiên là một nét đẹp rất nhân văn và nhân bản mà những người con Phật đã góp phần để hình thành nên bản sắc văn hoá độc đáo về tinh thần hiếu để của dân tộc Việt Nam. Một trong những biểu hiện cụ thể của người Phật tử trong mùa Vu lan - Báo hiếu là quán niệm về ân nghĩa sinh thành, sám hối những lỗi lầm thất kính, phát thệ nguyện tận hiếu với song thân và tu dưỡng tự thân đồng thời phát tâm cúng dường Tam bảo, bố thí, phóng sinh để hồi hướng công đức cho cha mẹ hiện tiền được phước thọ tăng long, ông bà tổ tiên quá vãng được sanh về tịnh cảnh.

Nhờ nguyện lực, gia trì và chú nguyện của chúng Tăng sau ba tháng an cư thanh tịnh nên các chúng sanh trong ba đường ác được tiếp nhận thêm một sức mạnh mới về tỉnh thức. Nhờ sự tỉnh thức ấy, tự thân giải tỏa được những tà kiến, chấp thủ, có niềm tin nơi Chánh pháp nên tâm họ được khai phóng, thăng hoa và được thoát khổ. Vì thế, ngày này được gọi là ngày Xá tội vong nhân.

Cha mẹ là mạch nguồn yêu thương

Đức Phật dạy các Tỳ kheo: Có hai hạng người, này các Tỳ-kheo, Ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Là cha và mẹ.

Mỗi chúng ta có mặt trên thế gian này, nhờ cha mẹ tạo ra, chứ không phải thần linh hay thượng đế nào tạo ra cả. Trong kinh Tăng Chi Bộ 4, đức Phật dạy Phạm Thiên: “Này các Tỳ-kheo, là đồng nghĩa với cha mẹ. Các bậc đạo sư thời xưa là đồng nghĩa với cha mẹ. Chư thiên thời xưa là đồng nghĩa với cha mẹ. Các bậc Thánh là đồng nghĩa với cha mẹ. Vì cớ sao? Vì cha mẹ giúp đỡ rất nhiều cho các con, nuôi dưỡng chúng lớn và dẫn dắt chúng vào cuộc đời này”.

Đức Phật ví cha mẹ ngang hàng với Phạm thiên. Ấn Độ thời điểm đó, đạo Bà-la-môn coi Phạm thiên là bậc tối cao, tối thượng của họ. Nếu những người con cúng dường vật thực hay những thứ khác cho cha và mẹ, mà đức Phật nói trong kinh, cũng không thể nào đền đáp được hết công ơn cha và mẹ.

Trước hết, đó là công lao sinh thành. Không có cha mẹ thì không thể có bản thân của chúng ta. Cha mẹ đã sinh ta ra, đã chia sẻ một phần máu xương để ta có mặt trên cuộc đời này. Cha mẹ là người nuôi dưỡng ta từ khi chào đời đến lúc trưởng thành. Mẹ nuôi ta bằng những giọt sữa ngọt lành. Cha mẹ đã chăm sóc ta những khi ta đau ốm. Cha mẹ cũng ra sức làm việc vất vả để nuôi ta khôn lớn. Từ một hình hài nhỏ xíu đến khi biết đi, rồi biết đọc, biết viết, biết nấu cơm quét nhà, biết làm việc để tự nuôi mình, đâu phải chuyện ngày một ngày hai. Cha mẹ đã dành cho ta cả tình thương và sức lực của mình. Công lao ấy kể làm sao cho hết.



Không chỉ nuôi ta lớn, cha mẹ còn có công dạy dỗ cho ta nên người. Cha mẹ dạy ta bằng chính những việc làm, kiến thức, những hiểu biết về cách ứng nhân xử thế trong giao tiếp, học tập… Có thể xem cha mẹ chính là người thầy đầu tiên, dạy cho chúng ta muôn điều. Để đền đáp công lao to lớn đó, mỗi chúng ta không phải thờ mẹ, kính cha khi cha mẹ không còn trên cuộc đời, mà chúng ta phải báo hiếu ngay khi cha mẹ còn hiện hữu trên cõi đời này. Chăm sóc cha mẹ lúc về già là bổn phận và nghĩa vụ của người làm con. Chẳng hạn như, khi cha mẹ đau ốm, chúng ta lo lắng từ miếng ăn, giấc ngủ, viên thuốc, ly nước. Thiết nghĩ, đây là nguồn an ủi cho cha mẹ đỡ đau đớn, đỡ buồn và hiu quạnh. Đó là nguồn sức mạnh, là liều thuốc tinh thần, giúp cha mẹ đủ nghị lực vượt qua căn bệnh.

Ngày Vu lan là một ngày hội của những người có diễm phúc còn cha mẹ sống ở trên đời. Một đoá hồng xinh xắn cài lên ngực trong ngày Vu lan sẽ thắp lên ngọn lửa kính thương, bởi còn cha mẹ sống ở trên đời là một hạnh phúc vô giá. Những ai may mắn còn được cài trên ngực áo bông hoa hồng đỏ thắm rạng ngời để bày tỏ lòng hiếu kính mẹ cha, thì đó chính là niềm hạnh phúc ngập tràn hiếu hạnh Vu Lan. 

Đừng để một mai quá mệt mỏi, rã rời với cuộc mưu sinh ngoảnh lại thấy tuyết sương đã phủ kín bờ vai cha mẹ. Đừng để một mai, cha mẹ giã từ cuộc đời mới chợt nhận ra mình đã mất đi một điểm tựa vĩ đại trong cuộc đời. Đừng để phải khóc thương và ân hận khi tất cả đều đã muộn. Ngay đây và bây giờ, hãy ý thức rất rõ rằng mình đang còn cha, còn mẹ để thương kính. Hãy chạy đua với thời gian nghiệt ngã và công việc dồn dập để sẻ chia, dâng hiến niềm hiếu hạnh đối với song đường thật trọn vẹn.
 
Vu Lan báo hiếu là một trong những ngày Rằm quan trọng nhất trong năm. Chính vì vậy, việc đi chùa thắp hương khấn Phật, cầu siêu là điều nên làm. Những người kém may mắn hơn, cha mẹ không còn hiện hữu trên đời thì hãy biến niềm đau và lòng hiếu thảo thành sự nguyện cầu cho hương linh người thân, cửu huyền thất tổ sớm được vãng sanh về miền cực Lạc, tích luỹ công đức, hướng đến điều tốt lành, gắn kết con cháu với gia đình, tổ tiên ông bà. Điều đó sẽ mang lại may mắn, an lành cho những người thân trong gia đình. 

Trong dịp lễ này, người dân nói chung và bà con Phật tử ngoài việc lên chùa cài hoa hồng, tụng kinh cầu siêu tỏ lòng báo hiếu với ông bà tổ tiên, cúng dường trai tăng, công đức để cha mẹ được sống trong cực lạc.

Đăng ký Cầu siêu cho người thân tại Đại lễ Cầu siêu do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Huyện Đạ Huoai, Tỉnh Lâm Đồng tổ chức vào tháng 8 sắp tới bằng cách gọi điện qua số hotline: 0912.12.07.10

Sự kiện sẽ diễn ra từ ngày Ngày 25-26-27-28 tháng 8 năm 2022 nhằm ngày 28-29 tháng 7 và 1-2 tháng 8 âm lịch tại Chùa Đại Tùng Lâm Hoa Sen (Quốc lộ 20, thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng).

trong Tin tức
Vu Lan – "Chất liệu của yêu thương"
Ban Lien Huu 3 tháng 8, 2022
Share this post
Tag
Lưu trữ
“Tiết Trung nguyên Phổ độ” – Xá tội vong nhân trong Đại lễ Vu Lan
Tháng Bảy, mùa Vu Lan về cùng với ngày Rằm xá tội vong nhân mà người ta còn gọi là Tiết Trung nguyên. Theo sách nhà Phật, ngày này các vong nhân không nơi nương tựa, không còn thân thích trên cõi trần gian để thờ phụng hoặc những hương hồn vì một oan khiên nào đó vật vờ sẽ được xá tội. Đó là một tấm lòng trong vạn tấm lòng bao dung, như một nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam gìn giữ qua bao đời nay theo quan niệm “sống gửi thác về”.