Vun bồi phước đức – “Do phước thành Phật đạo”
Đức Thế Tôn đã dạy: “Nhân lành phước báu do làm thiện, đạo tâm tăng trưởng bởi chuyên tu”. Tiếp nối tuệ giác của đức Thế Tôn để ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày thông qua những biểu hiện thiết thực và có đầy đủ niềm tin, giới hạnh, bố thí và trí tuệ làm hành trang trên bước đường tu tập theo gót chân của Phật.

Những người con Phật khi bắt đầu quá trình tu tập luôn đau đáu về việc tu như thế nào để giải trừ phiền não ác nghiệp, những dục vọng thấp hèn, những ganh đua hơn kém…; tu như thế nào để sống tốt, cùng nhau đi đến bến bờ của hạnh phúc, viên mãn. 

Sống ở đời ai cũng mong muốn được đầy đủ sung túc và thịnh vượng, mong ước được danh thơm, tiếng tốt, khỏe mạnh và sống lâu. Xa hơn nữa là đối với những hành giả tu Tịnh Độ thì mong rằng hiện đời được an lạc và sau khi từ giã cõi đời được sinh về thế giới Cực Lạc. Những hoài mong đó chính đáng, thiện lành nhưng mấy ai đủ phước báu tròn đầy để thực hiện mong ước ấy?


Đức Phật dạy: “Nhân lành phước báu do làm thiện, đạo tâm tăng trưởng bởi chuyên tu”.

Cũng như việc, nhiều người đến chùa để cầu xin Phật cho con điều này, cho con điều kia, cho đủ thứ hết. Đức Phật đã từng nói: “Ta không có quyền ban phước xuống họa cho ai”. Đức Phật chỉ là người thầy dẫn đường cho ta ra khỏi nẻo luân hồi đau khổ, giúp cho chúng ta tránh những hiểm nguy trong cuộc đời này, chỉ cho ta biết được con đường dẫn đến bình yên hạnh phúc trọn vẹn, còn làm được hay không là do tự thân chúng ta quyết định. 

Chúng ta đến chùa là để đi tìm chính cái tâm trong sạch của ta hòa vào tâm trong sạch của người; là để tu theo Phật nhằm chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc và tin rằng mình làm lành thì được hưởng phước, làm ác thì mình chịu khổ đau. Đức Phật dạy, tất cả chúng ta muốn được quả lành thì phải gieo nhân lành. Chúng ta muốn quả dữ, quả ác thì gieo nhân ác. Tất cả đều do mình, chứ Phật không thể ban cho ta được. 

Trong pháp thoại “Phước cúng dường”, Đức Phật khẳng định: “Nếu ai muốn hiện tại và mai sau hưởng quả báo tốt đẹp thì ngay bây giờ phải biết gieo trồng phước đức”. Đề cập đến việc gieo trồng phước báu nhiều, đức Phật nói trong kinh A-di-đà: “Buổi sáng các cư dân Tịnh độ đi rải hoa cúng dường mười phương chư Phật”. Nên hiểu ý nghĩa câu này dưới góc độ triết lý mới thấy được giá trị sâu sắc, so với nghĩa đen. 

Đức Phật khuyên người xuất gia không sử dụng hương liệu hay trang sức phẩm để làm đẹp, mà nên trang sức, làm đẹp bằng hương thơm đạo đức. Thẩm mỹ học đạo Phật là thẩm mỹ đạo đức. Do đó, “hoa” ở đây là hoa công đức, nghĩa là làm điều lành, từ thiện, dấn thân làm công tác xã hội. Cúng dường chư Phật bằng hành động thực tiễn là công việc rải hoa cúng dường Thế Tôn. Giá trị của sự cúng dường ấy mang lại phước báu lớn.

Dâng hoa công đức bằng cách làm những việc lành cụ thể, cho dù việc lành ấy nhỏ. Ví dụ, khi đi đường thấy một mảnh chai bị vỡ, ta có thể lượm nó bỏ vào thùng rác, giúp cho người khác không bị thương tật khi vô ý giẫm phải. Việc làm này là cúng hương Phật để tô đẹp cuộc đời. Hoặc khi thấy rác ngoài đường phố, ta có thể nhặt chúng bỏ vào sọt rác, góp phần làm sạch đẹp môi trường sự sống. Hay người làm công quả trong chùa cũng là người tạo vô số công đức. Chúng ta không nên xem thường những việc vặt vãnh như lặt rau, quét lá, lau chánh điện, dọn vệ sinh,… Nếu người làm với lòng chí thành dâng cúng mười phương Phật thì phước báu vô cùng. Bởi lẽ, giá trị của phước báu tỷ lệ thuận với tâm và cách thức hành động. Hiểu được điều này theo tinh thần của kinh A-di-đà, ta có thể tạo vô số phước đức ở hiện tại và tương lai với nhiều điều kiện thuận lợi.
    

Một ngày sống trên đời phải là một ngày sống có ích cho mình và cho người

Bên cạnh việc gieo trồng “phước” cần tạo thêm “đức”. “Phước” liên hệ đến việc làm còn “đức” thuộc về tâm linh, thái độ, cách nhận thức và hành động. Nếu hành động nhặt mảnh chai ở ven đường mà ta buộc mọi người phải mang ơn, ca tụng hay tán thán, xem như ta đang tán dương bản ngã, phước kéo theo đó cũng bị giảm thiểu. Do đó, khi làm phước với thái độ chân chính, Phật tử nên có lòng khiêm hạ và tấm lòng của người dấn thân phục vụ. Hãy quán niệm ta là mảnh giẻ lau thân Phật cho chùa sạch sẽ trang nghiêm, là cây chổi để quét sạch rác rưởi trong sân chùa, là ly nước giúp cho cuộc đời bớt khát hoặc chén cơm giúp cho người khác bớt đói khổ…

Thái độ vô ngã giúp lòng khiêm hạ được tăng trưởng và bản ngã ngày càng nhỏ lại, rồi được chuyển hoá tuyệt đối. Tinh thần vô ngã là trục xoay giúp ta có được thái độ khiêm hạ. Vô ngã, khiêm hạ và không chấp trước là 3 yếu tố quan trọng làm cho “đức” của hành giả được tăng trưởng. Nếu chỉ có “phước” mà không có “đức” thì con người chỉ có thể hưởng đời sống an lành và hạnh phúc, nhưng bản chất đời sống nội tâm của họ lại khổ đau, mối quan hệ tình người và các giá trị đạo lý nhân văn có thể không có. “Đức” tạo thêm giá trị cho “phước” và “phước” hỗ trợ cho “đức” được tồn tại lâu dài.

Phước đức ấy chính là sự tiếp nối tuệ giác của đức Thế Tôn, để ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày thông qua những biểu hiện thiết thực và có đầy đủ niềm tin, giới hạnh, bố thí và trí tuệ làm hành trang trên bước đường tu tập theo gót chân của Phật. Đức Phật dạy, ai sống được như thế đi đâu cũng an toàn, tới đâu cũng vững mạnh phước đức của tự thân. 

Sống ở trên đời, vạn vật vô thường, có của cải, danh lợi chắc gì đã hạnh phúc, an yên? Trong thế gian này, người giàu sang phú quý, sự nghiệp vinh hiển, công thành danh toại không phải bỗng dưng mà có, mà đó là kết quả việc tu nhân, tích đức của họ trong nhiều đời trước. Trên đời này, không có việc gì là ngẫu nhiên, đương nhiên hay tự nhiên mà thành. Cho nên, chúng ta phải biết tự vun bồi cho mình nội lực thật mạnh, đức hạnh thật sâu dày, cóp nhặt để như giọt nước lâu ngày đầy lu để thắng mọi chướng duyên, thì hoa tâm mới nở, tỏa ngát hương thơm. 

Ngược lại, việc ác dù nhỏ mấy ta cũng phải tránh, không làm. Muốn gieo trồng phước đức, ta phải xa rời nghiệp ác và phát triển nghiệp lành. Ta làm việc ác nhỏ lâu ngày sẽ tạo nên nghiệp ác lớn, ví như lỗ thủng nhỏ rỉ nước vào thuyền, nếu không chặn lại ngay từ đầu, đến một lúc nào đó sẽ nhấn chìm cả chiếc thuyền lớn. 

Tóm lại, bình an và phước đức có thể tạo dựng ngay bây giờ và ở đây. Chúng ta hãy sống với tâm luôn khai mở, “Không làm các việc ác, vâng làm các việc lành, giữ tâm ý trong sạch”. Chúng ta phải thực tập hành trì để tạo ra phước đức mới được bình an và giải thoát. Đúng như lời Đức Thế Tôn đã dạy: “Nhân lành phước báu do làm thiện, đạo tâm tăng trưởng bởi chuyên tu”.

Tài liệu tham khảo:
Gieo trồng phước đức, Tủ sách đạo Phật ngày nay, NXB Văn hóa thông tin 

trong Tin tức
Vun bồi phước đức – “Do phước thành Phật đạo”
Ban Lien Huu 9 tháng 7, 2022
Share this post
Tag
Lưu trữ
Tâm chí thành chí kính – Một lòng chí kính, một đời thành tựu
Trên đường tu hành cầu giải thoát, lời Phật dạy là ngọn đuốc soi sáng tâm linh. Người học Phật cần sáng suốt, trí huệ, cần phải tiếp cận với quang minh của Phật để được minh tâm, nhờ minh tâm mà kiến tánh, kiến tánh để thành Phật. Nên nhớ rằng, cái lý đạo chân chánh nhất nằm ngay trong tâm của chúng ta.