Xuân trong Đạo Phật: Mùa Xuân an lạc miên viễn, tương tục trong từng sát-na
Đức Phật dạy rằng, Phật pháp bất ly thế gian giác. Tuy có những khác biệt, nhưng cuộc thế và đạo mầu lại có chung một nét Xuân. Xuân trong đạo Phật cũng là xuân trong cuộc đời, xuân khứ xuân lai xuân bất tận, xuân đến xuân đi, rồi xuân lại về. Không có mùa xuân nào là mùa xuân đầu tiên, cũng không có mùa xuân nào là mùa xuân cuối cùng. Trong cái sinh diệt không ngừng ấy, mầm xuân vẫn tiếp nối vô cùng vô tận trong từng sát-na, tương tục mãi từ sát-na này đến sát-na khác.

 

Một năm bắt đầu từ mùa xuân và tháng Giêng là tháng khởi đầu cho một năm mới với bao ước nguyện bình yên, hạnh phúc, an vui và ước mong được gieo thiện duyên cùng Phật pháp, được sống an lành, hỷ lạc trong giáo pháp của Đức Như Lai. 




Chính vì thế, cảm thọ bằng niềm hỷ lạc vô tận của người con Phật, thấm nhuần Chánh pháp, chúng ta sẽ thấy mùa xuân, hương xuân tràn khắp cõi lòng, lan toả khắp muôn nơi trong không gian vô tận, thời gian vô cùng. Và trong ý niệm đó, mùa xuân trở thành mùa của sự an lạc miên viễn, chạm đến sự thăng hoa của nếp sống “chân – thiện – mỹ”, như Kinh Pháp Cú – Phẩm Hiền Trí, Đức Thế Tôn đã dạy: 

Pháp hỷ đem an lạc

Với tâm tư thuần tịnh

Người trí thường hoan hỷ

Với pháp bậc Thánh thuyết




Vạn vật và con người trên thế gian này đều chịu sự chi phối của nguyên lý vô thường. Ngộ nhập tri kiến Phật, các thiền sư, hành giả đều không để tâm phan duyên theo vẻ đẹp và niềm vui giả tạo, hư huyễn của xuân thời gian. Tức là, nương vào sức mạnh của Chánh pháp, nương vào trí tuệ trong sáng, trí tuệ thuần tịnh để điều phục, tịnh hoá tâm khởi, chiếu soi mọi cảnh trạng của thế gian mà không bị dao động, không bị vật nào làm nhiễm ô, thoát khỏi phiền não chướng và sở tri chướng. Từ đó mà an trụ vào cái đẹp tuyệt đối và niềm hỷ lạc nhiệm mầu của của “bản giác” xuân ở tâm mình.



Con người bình thường sống trong thế gian thì hưởng Mùa Xuân Thế Gian - Xuân đoạn trường thay đổi. Còn Xuân trong Đạo Phật gọi là Xuân Xuất Thế Gian, là mùa Xuân không sinh không diệt, xuân miên viễn. Trong mùa Xuân Xuất Thế Gian này, chất Xuân vượt ra ngoài cảm xúc của con người, vượt ra khỏi thời gian, không gian; tâm trạng của mỗi bản thể sống trong mùa xuân ấy cũng luôn bình thản, an vui, tự tại trong mỗi sát-na. Trạng thái đó tương tục mãi từ sát-na này đến sát na khác, và cứ thế mà hưởng trọn một mùa Xuân thường hằng bất biến, bất tận vĩnh cửu.

Tại sao lại nói mùa xuân tương tục trong từng sát-na? Tương tục mãi từ sát-na này đến sát-na khác? Về mặt vi mô, hiện tại là một sát na, một khoảnh khắc, một niệm. Trong khoảnh khắc đó không có tư tưởng, không có nhớ về, không có đã, sẽ và đang. Khoảnh khắc hiện tại ấy là vốn tịch diệt, không sanh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm, nói theo Bát-nhã tâm kinh hay Không, Vô tướng, Vô tác chung cho cả Nguyên thủy và Đại thừa. 


Về mặt vĩ mô, hiện tại là cái bây giờ bao trùm khắp cả không gian và thời gian hữu hạn và quy ước. Hiện tại mở khắp vũ trụ này là đồng nhất, cùng một thời hiện tại, như đại dương trên là nước, dưới là nước, bốn hướng mười phương đều là nước, không gian nhỏ nhất như hạt bụi cũng là nước. Hiện tại vĩ mô chỉ là hiện tại vi mô được mở rộng ra tầm mức vũ trụ mà thôi. Hiện tại như thế được gọi là đương niệm hay nhất niệm. Cái hiện tại nhất niệm hay vô niệm này là nguồn, là nền tảng cho mọi thời gian quy ước nên đó là sự giải thoát tại đây và bây giờ cho mọi thời gian quy ước. Sống đạo Phật là sống trong đương niệm hay hiện tại toàn khắp này. 


Trong hiện tại ấy, quá khứ được tiêu dung, được tịnh hóa, như bài kệ kết thúc Kinh Kim Cương: “Tất cả pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng, như sương như ánh chớp; hãy quán thấy như vậy.” Quá khứ được tịnh hóa khi con người thấy ra bản chất của nó là như huyễn, như mộng. Ở trong hiện tại mở khắp và không dính dáng với cái gì, quá khứ được tịnh hóa vì, “tâm quá khứ chẳng thể đắc, tâm hiện tại chẳng thể đắc, tâm vị lai chẳng thể đắc”. Chính cái hiện tại toàn khắp ấy tịnh hóa thời gian trong mỗi phút giây, tịnh hóa cho mỗi phút giây lập tức đã trở thành quá khứ, để mỗi phút giây được tái sinh trong thực tại luôn luôn mới mẻ. 


Khi ấy, đứng giữa hương quyện của đất trời, sắc màu của trần gian, hai bờ của phân ly, hai ngã của mê ngộ, một sự thảnh thơi nhẹ bước, không hành trang mộng mị lôi kéo, không tâm thức đợi mong đón chờ, buông bỏ và xả ly tất cả mọi ý niệm, an nhiên sống giữa khổ đau phiền trược.

Khi ấy, thể nhập vào tận cùng mọi hiện tượng, từ thân đến tâm, từ nội giới đến ngoại giới trong sự phủ vây tròn đầy của giác ngộ, của vô sinh bất diệt, thường hằng của tự tánh. Đó chính là sự miên viễn của chân thường trong cõi vô thường, sự an tịnh, định tĩnh tuyệt diệu trong thế gian đầy phiền trược, khổ đau của kiếp nhân sinh.

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT !
trong Tin tức
Xuân trong Đạo Phật: Mùa Xuân an lạc miên viễn, tương tục trong từng sát-na
Ban Lien Huu 22 tháng 2, 2024
Share this post
Tag
Lưu trữ
KÍNH MỪNG NGÀY VÍA ĐỨC PHẬT DI LẶC - PL.2568 - DUNG NHỮNG ĐIỀU KHÓ DUNG CỦA THIÊN HẠ, XẢ NHỮNG VIỆC KHÓ XẢ Ở THẾ GIAN
Bồ Tát Di Lặc hay còn gọi là Phật Di Lặc là vị Phật đương lai, Ngài là đại diện cho hạnh Từ - Bi – Hỷ - Xả, mang đến cho chúng sanh niềm an vui, hỷ lạc. Mỗi độ xuân về, các Phật tử, những người kính tin, mến mộ đạo Phật đều hân hoan đón chờ Xuân Di Lặc, với mong muốn được đón nhận sự ban vui, độ sanh, hạnh phúc từ hạnh nguyện từ bi, trí tuệ của Đức Di Lặc Bồ Tát.