Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát là một trong sáu vị Bồ Tát quan trọng của Phật giáo Đại thừa. Năm vị còn lại là Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát và Di Lặc Bồ Tát.
Bồ Tát Địa Tạng là một vị Bồ Tát đại từ bi thệ nguyện độ thế rất rộng lớn. Theo kinh Địa Tạng Bổn Nguyện, Địa Tạng Bồ Tát được biết đến bởi lời nguyện cứu độ tất cả chúng sinh trong lục đạo luân hồi vào thời kì sau khi Phật thích ca mâu-ni nhập niết bàn cho đến khi Bồ Tát Di Lặc hạ sanh, và nguyện không chứng Phật quả nếu địa ngục chưa trống rỗng. Do đó, Địa Tạng thường được xem như là vị bồ tát của chúng sanh dưới địa ngục hay là giáo chủ của cõi U Minh.
Địa Tạng Vương Bồ Tát thường được khắc họa với hình tượng là một vị Bồ Tát có sự từ bi, đầu đội mão tỳ lư, có vầng sáng hào quang trên đầu. Ngài thường đứng trên tòa sen hoặc ngồi trên tòa sen do Đề Thính (một linh thú của Địa Tạng Vương Bồ Tát) đỡ lấy. Tay trái Địa Tạng Vương Bồ Tát cầm Như Ý Châu tượng trưng cho ánh sáng xua tan bóng đêm hắc ám, tay phải cầm Tích trượng có sáu vòng tượng trưng cho lục đạo luân hồi để mở cửa địa ngục mang ý nghĩa muốn cứu độ hết thảy mọi chúng sinh trên thế gian.
Trong bài viết dưới đây, hãy cùng Ban Liên hữu Chùa Đại Tùng Lâm Hoa Sen tìm hiểu nguồn gốc về tên của Bồ Tát Địa Tạng, cho đến công đức bản nguyện và sự tích giáo hoá của Ngài.
Thánh hiệu của Bồ Tát Địa Tạng
Tiếng Phạn là Ksitigarbha, đọc là Khất Xoa Để Nghiệt Sa, Hán dịch là Địa Tạng. Địa là đất đai, đại địa; Tạng là hàm tàng, tạng bí mật, đều thuộc thí dụ cho công đức của Bồ Tát. Địa có thể sinh, có thể nuôi nấng, có thể giữ gìn, có thể vận tải, có thể chứa đựng châu báu, có thể làm chỗ nương tựa, chỗ ở cho vạn vật. Vạn vật trong vũ trụ, loài hữu tình và vô tình đều nương vào đất; hoa quả cây cối, ngũ cốc rau cải, đều lớn lên từ đất; vật phẩm quý báu, thuốc trị nhiều bệnh cũng đều thai nghén từ đất; tất cả bảy báu đều được chứa đựng trong đất; tất cả hạt giống đều được tóm thâu giữ gìn trong đất. Dùng những thứ này để tỉ dụ Bồ Tát, tâm như đại địa, có thể khiến chúng sinh ở yên trong ngôi vườn bồ đề, có thể tóm thâu giữ gìn hạt giống bồ đề của chúng sinh, có thể làm sinh trưởng mầm bồ đề của chúng sinh, có thể vận chuyển chúng sinh đến quả bồ đề, khiến cho tất cả chúng sinh rốt cuộc đều chứng được ba đức bí tạng của Phật giáo, vì thế gọi là Địa Tạng.
Lại nữa, Địa là công lợi tha của Bồ Tát, Tạng là đức tự lợi của Bồ Tát. Từ thời lâu xa, Bồ Tát đã chứng ba đức bí tạng của Như Lai, chứa đựng vô lượng công đức Phật pháp, như kho báu của thế gian, đầy đủ các châu báu, có thể cứu giúp những người nghèo túng. Bản thân Bồ Tát bao hàm vô lượng công đức pháp bảo, có thể làm chỗ nương tựa, nghỉ ngơi của tất cả chúng sinh; có thể trị tất cả bệnh nặng của thân và tâm chúng sinh; có thể làm chúng sinh sanh trưởng căn lành; có thể gánh vác bảo hộ tất cả chúng sinh, khiến cho tất cả chúng sinh rốt cuộc lìa khổ được vui, ra khỏi sinh tử, mau chứng bồ đề, vì thế gọi là Địa Tạng.
Kinh Đại thừa đại tập Địa Tạng thập luân nói: “Vị đại Bồ Tát này là kho chứa các công đức vi diệu, là nơi sinh ra sự giải thoát quý báu, là con mắt thanh tịnh sáng suốt của các Bồ Tát, là thương nhân dẫn đường đến Niết-bàn, giống như ngọc như ý mưa xuống các của cải vật báu, tuỳ theo chỗ mong cầu của chúng sinh đều được đầy đủ; giống như các thương nhân chọn Bảo chử làm thửa ruộng tốt để sinh trưởng căn lành, là vật có thể chứa đầy những giải thoát; là cái bình đổ ra công đức vi diệu, quý báu…giải cứu các nguy hiểm và tai nạn; giống như cha mẹ che chở người nhu nhược như rừng cây. Như người đi xa trong mùa hè được nấp dưới bóng cây to; cho người khát nước thanh tịnh, cho người đói nước cam lồ. May y phục cho người trần nhộng, làm đám mây che mát cho người nóng bức, cho ngọc như ý người nghèo túng, làm chỗ nương tựa cho người sợ hãi; khiến cho căn lành của loài hữu tình không bị mất đi,…Nhẫn nhục vững tin như núi Diệu Cao; tổng trì sâu rộng như biển lớn; thần túc vô ngại như hư không; diệt trừ tất cả tập khí nghiệp chướng như ánh nắng chói chang của mặt trời làm tan đi lớp bang mỏng, thường trụ trong thiền định, chánh đạo vô sắc, nhất thiết trí trí (trí huệ của Phật, là trí huệ thù thắng nhất trong tất cả trí), niết-bàn vi diệu, không cần dụng công mà chuyển đại pháp luân. Thiện nam tử! Địa Tạng Bồ Tát Ma-ha-tát có đủ vô lượng vô số không thể nghĩ bàn các công đức thù thắng như vậy”. Chính vì Bồ Tát Địa Tạng có công đức thù thắng: “An nhẫn không động giống như đại địa, thiền định sâu dày giống như bí tạng (các pháp vi diệu của đức Phật)”. Vì thế gọi là Địa Tạng.
Lại nữa, trong kinh Diên mạng Địa Tạng, Ngài có tên là Diên Mạng Địa Tạng, trong kinh Liên hoa tam muội, Ngài có tên là Thắng Quân Địa Tạng. Còn trong kinh Hoa nghiêm dịch thời nhà Tấn, Ngài có tên là Đại Địa Tạng. Trong kinh Địa thừa bản sinh tâm địa quán, Ngài có tên là Địa Tạng Vương. Trong kinh La ma già, Ngài có tên là Trì Địa Tạng. Như thế đều vì Bồ Tát Địa Tạng nương vào sức công đức bổn nguyện, giống như đại địa thai nghén vạn vật; có thể khiến cho chúng sinh nuôi lớn căn lành, rốt cuộc lìa khổ được vui mà có tên như vậy. Nhất là, Ngài cứu hộ chúng sinh trong địa ngục, cho nên lại có tên gọi là U Minh Giáo Chủ.
Công đức của Bồ Tát Địa Tạng
Bồ Tát địa tạng thệ nguyện kiên cố, từ vô lượng kiếp đến nay rộng độ các loài hữu tình, nhiều kiếp báo đáp ân cha mẹ; chứa nhiều công đức, vi diệu khó nghĩ bàn, từ trước đã chứng vô lượng vô biên công đức thù thắng của Phật quả. Như trong kinh Đại tập Địa Tạng thập luân, Đức Phật bảo Bồ Tát Hảo Nghi Vấn: “Giả sử có người ở nơi hằng hà sa Bồ Tát Ma-ha-tát, các vị thượng thủ như Di Lặc, Diệu Cát Tường, Quán Tự Tại, Phổ Hiền…trong trăm kiếp chí tâm quy y, xưng danh tụng niệm, lễ lạy cúng dường, để cầu các điều mong muốn. Dù làm như vậy cũng không bằng có người trong khoảng bữa ăn, chí tâm quy y, xưng danh tụng niệm, lễ lạy cúng dường Bồ Tát Địa Tạng để cầu các điều mong muốn thì liền được toại nguyện. Tại sao lại như vậy? Bồ Tát Địa Tạng làm lợi ích an lạc cho tất cả chúng sinh, khiến cho những nguyện cầu của loài hữu tình được viên mãn, như ngọc như ý, cũng như kho báu. Vị Đại sĩ này vì muốn giáo hoá thành thục chúng sinh nên từ lâu đã tu tập đại nguyện đại bi kiên cố, dõng mãnh tinh tấn hơn các Bồ Tát khác, vì vậy các ông nên cúng dường”.
Trong kinh Địa Tạng bản nguyện, phẩm Thần thông trên cung trời Đao Lợi, đức Đức Thích Tôn bảo Bồ Tát Văn Thù: “Oai thần và thệ nguyện của Bồ Tát này không thể nghĩ bàn. Nếu trong đời sau có thiện nam tử, thiện nữ nhân, nghe tên của Bồ Tát Địa Tạng, hoặc ca ngợi, hoặc chiêm ngưỡng lễ lạy, hoặc xưng danh, hoặc cúng dường cho đến vẽ, khắc, đắp, sơn hình tượng Bồ Tát, người này sẽ được 100 lần sinh lên cõi Trời ba mươi ba, tức là Trời Đao Lợi, vĩnh viễn không còn đoạ vào đường ác”. Lại trong phẩm Như Lai tán thán nói: “Tuyên dương khen ngợi những việc của Địa Tạng Bồ Tát Ma-ha-tát trong thế giới mười phương, hiện sức từ bi oai thần rộng lớn không thể nghĩ bàn để cứu giúp tất cả tội khổ của chúng sinh”. Và sau cùng trong phẩm Chúc luỵ trời người, đức Thích Tôn đưa cánh tay sắc vàng, xoa đảnh đầu của Bồ Tát Địa Tạng nói rằng: “Địa Tạng! Địa Tạng! Sức thần của ông không thể nghĩ bàn; từ bi của ông không thể nghĩ bàn; trí huệ của ông không thể nghĩ bàn; biện tài của ông không thể nghĩ bàn; giả sử mười phương chư Phật, tuyên dương khen ngợi những việc không thể nghĩ bàn của ông, trong nghìn trăm kiếp cũng không thể hết được”. Từ đây, có thể thấy công đức của Bồ Tát Địa Tạng, dù chư Phật trong mười phương cũng không thể nói hết, huống gì hàng phàm phu chúng ta?
Có thể nói, Bồ Tát Địa Tạng đã đến với thế giới Ta bà ác trược này chỉ vì một tâm nguyện duy nhất là cứu vớt tất cả chúng sinh đang lặn hụp trong đại dương sinh tử đưa lên bờ Niết bàn. Cho dù chúng sinh có cang cường, nan điều nan phục đến mấy, Bồ Tát vẫn kiên trì không thối chuyển tâm nguyện, không bao giờ xa lìa ý niệm cứu độ chúng sinh. Tâm nguyện độ sinh của Ngài vững chắc như núi cao, công hạnh lợi ích nhân thiên rộng sâu như biển cả. Chúng ta không thể tán thán hết được công hạnh của Bồ Tát, thật đúng như hai câu kệ trong bài tán Phật đã nói: “Xưng dương nhược tán thán, ức kiếp mạc năng tận”.
Trong các phẩm của kinh Địa Tạng, tóm lược có ba công đức bản nguyện như sau:
1. Cứu khổ ban vui, lìa hẳn đường ác
2. Diệt tội sinh phước, quỷ thần hộ trì
3. Sự mong cầu được như ý, rốt ráo thành Phật
Từ công đức, nguyện lực của Bồ Tát Địa Tạng và sự dõng mãnh của Ngài trong việc đảm đương sự phó chúc ân cần của đức Thích Tôn, rõ ràng Ngài đã ban cho chúng sinh ở thời mạt pháp như chúng ta sự cổ vũ rất lớn và có sức đảm bảo – Bảo đảm chúng ta từ nay về sau, vĩnh viễn không đoạ vào đường ác, mãi đến khi gặp Đức Phật, được Đức Phật thọ ký, và tương lai sẽ thành Phật. Chỉ cần những người đệ tử Phật chúng ta chịu tin lời Phật, cùng hợp tác với Bồ Tát Địa Tạng, từ nay về sau, hiểu rõ nhân quả, bỏ ác làm lành, học theo nguyện lực từ bi, tinh thần cứu đời của Bồ Tát Địa Tạng mà thực hành hiếu đạo vô tận của Bồ Tát Địa Tạng.
Theo phong tục hàng năm, các chùa Bắc Tông thường tổ chức cúng vía Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát vào ngày 30 (tháng thiếu thì 29) tháng 7 Âm Lịch, với mong muốn rằng gương hạnh nguyện của Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát sẽ mãi thắp sáng trong tâm thức của chúng sanh ở nơi trần thế, được sớm chuyển tăng phước báu về cõi trời, không đọa ba đường ác. Vào ngày này, chùa chiền đều cử hành hoạt động Phật sự, tín chúng phải tụng "Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh" và bày tỏ lòng kính trọng đối với Địa Tạng Vương Bồ Tát, niệm Phật, ăn chay, trì chú, thiết trai cúng dường, rộng kết duyên lành.
Bồ Tát Địa Tạng với trí tuệ rộng lớn và lòng tư bi bao la luôn thấy chúng sinh là cha mẹ trong hiện tại và chư Phật trong tương lai nên nguyện khi nào độ hết nỗi khổ của chúng sinh, không một ai còn đau khổ, khó khăn, đều đạt thành Phật đạo thì Ngài mới yên tâm đạt tới cảnh giới Niết Bàn.
Quả thật, nói về công đức bản nguyện và tinh thần hiếu đạo của Bồ Tát Địa Tạng là vô biên vô lượng, không thể kể hết chỉ trong vài trang kinh sách. Mời Quý Phật tử tiếp tục tìm hiểu trong bài viết tiếp theo tại đây: https://daitunglamhoasen.vn/blog/tin-tuc-2/bo-tat-dia-tang-dai-bieu-cua-hieu-dao-164